một tác phẩm ngắn hơn và mang tính kỹ thuật hơn, cũng là một tác
phẩm quan trọng của Aristoteles về chủ đề Bản tính con người.
Bối cảnh Siêu hình:
Mô thức và Đặc tính
Bốn loại câu hỏi
Aristoteles đôi khi nói đến thần linh (gods), nhưng ông không hiểu
theo khái niệm Kinh thánh [của Do Thái giáo hay Kitô giáo] nói về
Thượng đế thân vị, Đấng có một chương trình cho lịch sử loài người
và tỏ mình cho một dân riêng. Mặc dầu ông tỏ ra bên ngoài sự trân
trọng của mình đối với chủ nghĩa đa thần phổ thông Hy Lạp (Zeus,
Hera, Athena, v.v...), Aristoteles trong Siêu hình học (Metaphysics
XII.8, 1074b1 tt.) nói rằng, đó là những huyền thoại nhân cách hóa
cho đại chúng thường dân. Riêng Aristoteles có một khái niệm về một
Thần độc nhất tối cao, trong Vật lý học (Physics Book VII), ông biện
luận rằng phải có một “Tác nhân không bị tác động” (unmoved
mover), một Nguyên nhân không thay đổi cho mọi tiến trình thay đổi
trong vũ trụ. (Thomas Aquinas đã sử dụng suy luận này thành một
trong “Năm Con Đường” (Five Ways) chứng mình sự hiện hữu của
Thượng đế). Hơn nữa, Aristoteles quan niệm “chức năng của thần linh
là suy tư và ngẫm nghĩ” (Parts of Animals IV.10, 686a29), nhưng cách
suy tư của thần linh theo Aristoteles là một sự ngẫm nghĩ của lý trí,
chứ không phải một sự chăm sóc nào về những việc của con người.
Tác nhân không bị tác động đúng hơn là một khái niệm của một lý
thuyết khoa học hơn là một đối tượng của tôn thờ hay tùng phục nào.
Aristoteles chịu ảnh hưởng của thuyết Mô thức hay Ý thể của
Platon, nhưng với phê phán nghiêm túc. Chúng ta đã thấy trong
chương 4, Platon đề xuất rằng điều làm cho từng mỗi sự vật riêng biệt
được kể là Fs (những mô thức), chính là bởi sự “tham dự” vào cái Mô
thức hay Ý thể của F, được hiểu như một thực thể trừu tượng tách biệt
khỏi mọi hiện tượng của nó. Aristoteles chống lại sự tách rời các mô