giới học sinh sinh viên nhiều ngành và mọi người với kiến thức tổng
quát (xem Lời tựa lần xuất bản thứ sáu, 2013).
Trong nhiều thư văn tiếng Việt ngày nay, chúng tôi nhận thấy có
một vài vấn đề về ngôn ngữ chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.
Đó là (a) vấn đề nhân danh, vật danh, địa danh nói chung, và (b) vấn
đề tên gọi nói riêng về Thiên Chúa giáo.
(a) Trong vấn đề thứ nhất: Chúng tôi đề nghị sử dụng tên gọi
nguyên thủy về người, vật, nơi chốn; thí dụ: Sokrates, Platon,
Aristoteles, Jesus, London, New York... thay vì Socrate, Plato,
Aristotle, Giêsu, Luân Đôn, Nữu Ước... Trừ khi các tên gọi đã quá
quen thuộc, như Anh quốc, Đức quốc... thay vì England, Deutschland.
(b) Trong vấn đề thứ hai: Tiếng Việt ngày nay nói chung thường
dùng từ “Thiên Chúa giáo” để chỉ Giáo hội Công giáo, cách dùng
này đã không diễn tả trung thực nội hàm và lịch sử của tôn giáo này.
Bởi Kitô giáo là Tổng thể giáo hội phân xuất từ Đấng Jesus Christ
[Kitô] gồm các giáo phái Công giáo, Tin Lành và Chính thống giáo;
và như thế Công giáo hay Giáo hội Công giáo là một trong ba nhánh
của Kitô giáo, chứ không phải một đạo mà tên gọi phát xuất từ tiếng
Trung Hoa với cụm từ Thiên Chủ giáo được các giáo sĩ phương Tây
trong tinh thần tiếp biến văn hóa đã đặt ra vào thế kỷ XVI/XVII
(Matteo Ricci, 1552 − 1610). Tôi đề nghị trả lại căn tính tôn giáo cho
chủ thể của nó, bằng cách gọi Giáo hội Công giáo là Công giáo hay
Giáo hội Công giáo thay vì Thiên Chúa giáo.
Còn từ “Nhà thờ” được dùng thay cho từ Giáo hội cũng không
đúng nội hàm của nó. Những từ Church, Eglise, Kirche (tiếng Anh,
Pháp, Đức) bắt nguồn từ nguyên tự Latinh và Hy Lạp ecclesia,
ekklesia, ek-kaleo, ekklesia tou theou có nghĩa “Những kẻ được
Thượng đế kêu gọi họp lại với nhau nên một Cộng đoàn tôn giáo”, tức
Giáo hội. Từ ngữ “nhà thờ” để chỉ “ngôi nhà nơi nhóm họp” là một từ
được “chuyển hoán” từ “người nhóm” thành “nơi nhóm”. Yếu tố quan
trọng cơ bản và trước tiên nơi đây là “Những người tôn giáo nhóm