CHƯƠNG 2
ẤN ÐỘ GIÁO - ÁO NGHĨA THƯ
CUỘC TÌM KIẾM TRI THỨC TỐI HẬU
Một nghiên cứu dẫn nhập vào Ấn Độ giáo có thể là một điều thách
thức táo bạo, bởi ở đây không có người sáng lập, không có điểm lịch
sử khởi đầu rõ rệt, cũng như không có một thư văn trung tâm nào, như
chúng ta thường thấy trong phần lớn các truyền thống tôn giáo khác.
Ấn Độ giáo là một truyền thống với nhiều vẻ rất khác nhau gồm hàng
loạt rộng lớn những thực hành và tin tưởng, điều này càng làm cho
công việc khái quát hầu như không thể thực hiện được. Chính từ “Ấn
Độ giáo” (“Hinduism”) cũng là một sản phẩm của phương Tây, đơn
giản nhắm đến tôn giáo chính của đa số người dân sinh sống trên bán
đảo Nam Á này. Bởi vậy, trong mọi tình huống, sẽ là điều vô nghĩa
nếu tìm cách giới thiệu Ấn Độ giáo chỉ với một bản văn, vì không có
bản văn cá biệt nào được chấp nhận là có thẩm quyền cho mọi sắc dân,
bởi tất cả họ tự xem chính mình là người Ấn Độ. Vả lại, phần đông
quan niệm tôn giáo của họ được xây dựng bằng hành động hơn là
bằng một bản văn.
Dẫu vậy, nếu có ai đi tìm một “bản văn cơ sở” có thể diễn tả những
nội dung ý nghĩa của triết học Ấn Độ, thì một lựa chọn tối ưu có thể là
một trong những Áo nghĩa thư quan trọng nhất. Tập hợp các thư văn
dưới tên gọi Áo nghĩa thư đã đóng một vai trò quyết định trong suốt
lịch sử tôn giáo Ấn Độ. Chúng xác định những vấn đề triết học nòng
cốt trên đất Ấn trải qua nhiều thế kỷ và vẫn tiếp tục là một suối nguồn