Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương
Một nửa kêu than ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc…”.
(Trích: “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”)
Văn Cao: Viết văn, làm thơ, dựng kịch, soạn nhạc, vẽ. Sinh năm: 1922 tại
Hải Phòng
Nhạc phẩm:Buồn tàn thu, Suối mơ, Bến Xuân, Trương Chi, Thiên thai,
Sông Lô và nhiều ca khúc chiến đấu khác.
Văn Cao
Một tinh cầu giá lạnh
Dòng nước của đại dương luôn luôn đuổi nhau xoáy vào mỗi bờ cát, soi
mòn chân đá, đắp dày từng lớp mặn chát trên mặt đất khô cằn quanh năm
ẩm mốc váng muối và sình lầy. Cửa biển Hải Phòng với những ống khói
đen sì nhấp nhô in lên nền trời, nhả từng vệt khói xám đậm vươn cao rồi
vút biến vào lưng chừng mệt mỏi. Những nét mặt lem luốc tro than diễn
hành từng chiều, rồi từng chiều trên các nẻo đường lở lói, đầy bụi và rác.
Thân phận con người đeo đuổi, dính chặt vào tiếng còi thét ngất ngư từ một
nhà máy hay tiếng động rầm rì, đều đều, của chiếc chân vịt cuốn sục sôi
mặt nước. Con người sống trong cửa biển vật vã từng giờ, từng khắc, với
lao khổ, tủi nhục và âm thầm bên cạnh vùng ánh sáng đàng điếm của giai
cấp thống trị.
Cửa biển là nơi hẹn hò của những tay giang hồ hảo hớn, của bao thảm kịch
đan kết thành dòng sống phức tạp, đớn đau. Cửa biển với vòm trời xanh
thăm thẳm bồng bềnh, với từng phiến mây phiêu du vô định, với từng con
nước dật dờ lôi cuốn số phận con người vào sự nổi trôi, mỗi lần nhổ neo
tạm biệt bến bờ. Cửa biển với cơn cuồng nộ tới tấp của giông bão giữa mùa
biển động làm vỡ nát ước mơ, làm tả tơi hy vọng.
Cửa biển tượng hình uất hận. Cửa biển than khóc. Cửa biển nghẹn ngào.
Văn Cao đã khóc tiếng đầu tiên để chào cửa biển Hải Phòng với ngần ấy
gia tài. Văn Cao lớn lên và được dạy dỗ bằng nước mắt hơn là tiếng cười.