Những khuôn mặt lem luốc của công xưởng, của hầm mỏ, của bến tàu đã
khắc sâu vào tiềm thức, trở thành ám ảnh, dằn vặt khôn nguôi. Văn Cao đã
sống với tiếng máy và thở cùng than bụi. Văn Cao đã biết đói, biết rét, biết
đau khổ, trước khi làm người lớn. Vì thế, sự hiện diện của Văn Cao ở một
hàng ngũ cách mạng nào đó trước năm 1945, người ta đừng lấy làm lạ, phải
coi như một lẽ đương nhiên. Kẻ thù đã đẩy, chẳng riêng gì Văn Cao, mà cả
dân tộc đứng lên đòi quyền sống.
Văn Cao là mẫu người đặc biệt. Với vóc dáng nhỏ nhắn. Với nụ cười lắng
chìm không thành tiếng. Với hàm răng ngắn, đều. Với đôi mắt lạnh lùng dễ
sợ lúc giận dữ, và dịu hiền khi tâm hồn chìm du vào dòng suy tưởng.
Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ
nghệ thuật, chùm lấp vòm trời Kinh đô Văn nghệ. Từng bước khoảng
khoát, Văn Cao hiên ngang đi vào lòng Mẹ Việt Nam và được tiếp nhận
nồng hậu. Chưa ai nghĩ tới và tưởng tượng nổi một Văn Cao trước những
đối nghịch lớn, chứa đựng cái vóc dáng khiêm nhượng ấy. Người ta có thể
cho là huyền thoại khi nói về một Văn Cao vẽ giấy bạc giả để chi dùng
trong khi hoạt động túng thiếu, đến lúc hành vi bị lộ, đã rút súng Colt 45
chĩa vào những người có mặt, bắt họ giữ nguyên vị trí, để mình rút lui, rồi
sau ngày 19-8, mang giấy bạc thật đến hoàn lại số tiền đã trả bằng bạc giả
với đôi lời xin lỗi. Cũng như ít ai biết tác giả Thiên thai, Trương Chi ở tổ
chức ám sát nội thành Hà Nội dưới thời Nhật. Bị hoàn cảnh xã hội lúc đó
đẩy vào con đường nghẽn, Văn Cao phải lao tìm một lối sống đặc biệt.
Nhưng hôm nay tôi viết đến Văn Cao, không phải để đề cao điểm đặc biệt
ấy, mà chính là để tìm hiểu Văn Cao ở khía cạnh Văn nghệ Tiền chiến và
sự khuất chìm của một Văn Cao trong hiện tại.
Tâm hồn Văn Cao luôn luôn nghiêng về đau khổ. Văn Cao cố tìm cách
tránh né nó bằng sự thoát du của trí tuệ. Trong mỗi sáng tác của Văn Cao
tiền chiến, chúng ta nhìn thấy rõ quan niệm ấy ẩn nấp trong ca khúc Thiên
thai, Trương Chi hoặc các đoản tác về nhạc cũng như văn thơ khác. Văn
Cao lẩn trốn thực tại, một thực tại nhức nhối rã rời của cuộc sống phẫn nộ.
Văn Cao tìm đến sự cứu rỗi linh hồn ở Lưu Nguyễn, ở tình yêu không phai
tàn trong Sắc-Hương-Thiên-Giới, hay nỗi hờn ngàn kiếp giữa gã lái đò