nghèo và cô gái đài trang. Chiếc chén tương tư đã tan thành nước và biến
vào dòng suối đau buồn của cõi trần gian có từ khi trái đất hình thành. Văn
Cao đã mượn hình thức cũ để nói lên tâm sự mình, một tâm sự chứa trọn
vẹn nỗi bất bình xã hội. Nhưng đừng ai hiểu lầm Văn Cao đã sáng tác
Trương Chi theo chiều hướng căm thù giai cấp. Trong nỗi bơ vơ của kiếp
người, lớn lên với bao nhiêu cực nhọc, chịu thiếu thốn thường xuyên về
cơm ăn, áo mặc, Văn Cao mong vượt thoát bằng sự ước mơ, bằng trở lui về
quá khứ thơ mộng, bằng đam mê với suy tư trong ảo ảnh xa lìa. Văn Cao
muốn tự giải thoát bằng sáng tác. Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc,
mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ.
Sự vượt lên của Văn Cao trong một thành phố đục lầm cát bụi, trong tiếng
khua rộn ràng của những sợi dây xích sắt khổng lồ trong tiếng nấc nghẹn
ngào không thoát khỏi cổ họng, được coi như cố gắng phi thường của một
tâm hồn sung mãn. Đối nghịch đã làm cho Văn Cao trở thành con người có
phong cách riêng biệt.
Văn Cao muốn tạo cho mình một thế giới êm dịu đầy mộng mơ tuổi trẻ,
nhưng thực tại tàn nhẫn đã đập vào trí não Văn Cao từng hình ảnh đoạ đày,
từng nỗi đau ngấm ngầm. Văn Cao dẫy dụa trong những giăng mắc đó như
con cá biển cố vùng vẫy thoát khỏi mắt lưới, để đừng bao giờ thân xác bị
moi ruột ướp muối đem phơi khô, rồi trở thành phân bón. Văn Cao giơ đôi
bàn tay khoả lấp vùng lưu đày tuổi trẻ bằng nghệ thuật.
“Thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian”.
Ôi, trần gian, trần gian nào đó, thứ trần gian chỉ được cấu tạo trong tưởng
tượng mà Văn Cao cố víu lấy để thấy – ít nhất trong khoảnh khắc – kiếp
người chưa hẳn đã chịu chết chìm trong u ngục, đói rét, áp bức. Nhưng
trong cõi sâu thẳm hun hút của vũ trụ trên kia, Văn Cao vẫn cảm thấy và
nhận ra niềm cô đơn dằng dặc của thân phận mình. Trong nhạc phẩm
Trương Chi, Văn Cao không phải chỉ than van cho khối tình oan trái, không
phải chỉ oán hờn định mệnh theo nghĩa hẹp hòi, cũng không phải chỉ là nói