thì công tác suy đoán và liên tưởng nhận diện cũng là một phương thức điều
tra quan trọng và được sử dụng thường xuyên nhất. Rất nhiều thi thể vô
danh, hoặc đã thối rữa, hoặc chỉ còn lại một phần cơ thể, rất khó khăn trong
việc xác định danh tính, đã được cảnh sát “trả lại tên tuổi” bằng chính
những đặc điểm trên xác chết, trang phục, vật mang theo, thông qua công
tác suy luận nghề nghiệp, khu vực sống của nạn nhân, dần dần thu hẹp
phạm vi điều tra rồi tìm ra được.
Tại một vùng thuộc tỉnh An Huy – Trung Quốc từng xảy ra vụ án li kì –
“xác người mọc cỏ”. Sau khi gây án, hung thủ bỏ chung xác nạn nhân và
hạt Ké đầu ngựa vào một chiếc bao tải, rồi ném xuống sông. Xác người sau
khi trương lên và thối rữa, đã trở thành chất dinh dưỡng giúp hạt Ké đầu
ngựa mọc mầm. Chẳng bao lâu sau, trên cái xác mọc đầy mầm cỏ. Khi cảnh
sát tìm thấy, cái xác đã chỉ còn lại xương trắng, nhưng căn cứ vào hàm răng,
đã suy luận ra nạn nhân là một người bán hạt hướng dương, cuối cùng cũng
bắt được hung thủ về quy án.
Giáo sư Lương đoán định: “Đây có thể là do thói quen nghề nghiệp. Nạn
nhân thường xuyên phải sử dụng đến hai ngón tay này, nên mới cắt gọn
gàng như thế.”
“Liệu có phải là thợ làm tóc hoặc thẩm mĩ gì đó không? Do thường xuyên
phải gội đầu cho khách nên mới cắt móng tay. Rất nhiều nhà tạo mẫu tóc
cũng có sở thích săm mình.” – Bao Triển nói.
Họa Long lại cho rằng: “Cắt móng tay hai ngón ở giữa, có thể là để chơi
một loại nhạc cụ nào đó thì sao? Guitar hoặc là Piano gì đó. Mấy người của
giới nghệ sĩ cũng hay săm mình đấy thôi!”