Người ta gọi bố cậu là Hùng hục, nhưng đó không phải tên thật của ông,
mà chỉ là biệt danh. Bố cậu bán đậu phụ kiếm tiền, tính tình hiền lành đôn
hậu, thậm chí còn hơi ngây ngô nên thường bị người dân trong thôn đùa
cợt. Họ vò đầu bứt tai ông Hùng thật mạnh rồi cười lớn bảo: "Trông ông
anh như vừa quần thảo với bà xã ấy nhỉ!"
Năm ấy, Cơm nắm mới lên bảy nên chưa hiểu ý nghĩa của câu đùa, cậu
bé chỉ biết cười khanh khách như pha lê vỡ.
Ông bố Hùng hục của cậu thường đạp xe đi bán đậu phụ, sau xe buộc
hai mảng gỗ, trong mảng gỗ là đậu phụ được che bằng vải trắng. Tất cả
thôn xóm quanh đó đều nghe thấy tiếng ông rao đậu phụ vào mỗi buổi sáng
sớm tinh mơ. Ông cất cao giọng và kéo thật dài: "Ai đậu phụ nào! Ai mua
đậu phụ điiii!"
Nhà cậu toàn ăn đậu phụ, cải thảo om đậu phụ, cà tím hầm đậu phụ,
canh đậu phụ khoai lang... Đôi lúc, Cơm nắm lại bảo mẹ: "Mẹ ơi! Hôm nay
nhà mình đừng ăn đậu phụ nữa, được không ạ?"
Sau khi bị lạc trên núi, đúng là cậu chẳng bao giờ còn phải ăn đậu phụ
nữa, cậu ăn giun dế, ếch nhái, chim, trứng chim. Cậu vốn sợ rắn thế mà giờ
buộc phải ăn thịt rắn. Khi cậu ngồi gặm rễ cây, liệu có khi nào cậu nhớ đến
những bữa cơm đầy đậu phụ trên mâm vào mỗi bữa tối ở nhà mình?
Cơm nắm rất sợ bóng tối, khi ấy nhà cậu vay một món tiền, nên thường
bị người ta đến đòi nợ. Tối nào chủ nợ cũng đến gõ cửa đòi tiền, mẹ thường
bịt miệng cậu lại giá đò không có ai ở nhà. Hai mẹ con ngồi im lặng trong
bóng tối, không dám thở mạnh, chỉ sợ chủ nợ phá cửa xông vào. Suốt mười
năm sống trong núi rừng hoang lạnh, cậu đã quên ngôi nhà thân yêu, quên
những bữa cơm đậu phụ, nhưng không thể nào quên tiếng gõ cửa, dù chỉ là
tiếng chim gõ kiến mổ vào thân cây cũng khiến lòng cậu nảy sinh nỗi sợ mơ
hồ.