Hoàn cảnh trưởng thành của con người vô cùng quan trọng, một đứa trẻ
bảy tuổi phải sống trong môi trường hoang dã thì chỉ có hai kết quả xảy ra,
hoặc là nó sẽ chết hoặc là nó sẽ trở thành dã thú.
Cậu dần dần lớn lên, phạm vi hoạt động càng ngày càng rộng ra, mười
năm trôi qua, tuy bề ngoài của cậu vẫn hao hao giống người nhưng nội tâm
thì chẳng khác gì dã thú.
Một hôm, cậu đến một nơi, mặt đất nơi ấy vô cùng bằng phẳng, không
khí cũng khác với khu rừng cậu từng quen thuộc. Ở đó có những tảng đá
lớn vuông vắn, cậu lờ mờ cảm thấy rất nhiều động vật chầm chậm đi vào đi
ra qua các khe đá, dáng người họ trông đỉnh đạc, khoan thai. Những động
vật ấy có phần giống cậu, họ vừa khiến cậu thấy sợ lại vừa đem lại cho cậu
cảm giác thân thuộc, tuy cảm giác ấy chỉ thoáng qua. Trên thực tế, cậu chỉ
dám tấn công những động vật có thân hình nhỏ hơn mình. Cậu có thể dùng
tay không bắt chim bồ câu hoang dã, chim cu gáy hoặc chim ngói, cậu phát
hiện chim bồ câu ở đây rất nghe lời, mình cũng to hơn bồ câu nhà.
Rồi những "con vật" đó đã "tóm cổ" cậu.
Khi mất tích, Cơm nắm đã lên bảy, cậu từng biết nói, thiên tính đó vẫn
chưa hoàn toàn ngủ quên, cậu từng có thời gian tiếp xúc ngắn ngủi với xã
hội loài người nên vẫn giữ được ấn tượng lúc ban đầu của số phận, một
trong số những ấn tượng đó chính là tình yêu của bố mẹ dành cho mình.
Tiếng gõ cửa của mẹ Hải Yến đã đánh thức chút tàn dư ý thức còn sót lại
nơi tận cùng trái tim Hùng Lục Nhất. Mười năm cách biệt, cha mẹ đưa cậu
trở về ngôi nhà đã từng thân thuộc. Ban đầu, cậu vẫn giữ thói quen trộm gà
hàng xóm, đi bằng bốn chân, phóng vút lên không trung bắt gà vịt như loài
chó. Bố Hùng hục đành nhốt cậu trong nhà, để cậu dần dần thích ứng với
cuộc sống loài người.
Mẹ Hải Yến phát hiện đứa con trai của mình đặc biệt sợ tiếng gõ cửa.