phải biết buông bỏ đi thì mới không vướng mắc nữa. Dù gặp việc
không như ý cũng đừng trách người mà hãy tự trách mình…
Tôi lên tiếng:
- Những việc kia ông nói tôi đã hiểu, nhưng tại sao khi gặp việc
không như ý lại phải trách mình?
Vị tu sĩ nhẹ nhàng giải thích:
- Muốn đi xa trên con đường đạo, việc đầu tiên là từ bỏ những thứ
thuộc về xưa cũ. Dính mắc vào chuyện cũ cũng như buộc đá vào
chân, như vậy làm sao có thể cất bước mà đi? Muốn buông bỏ
chuyện cũ, anh phải biết lẽ trả vay. Hãy tự hỏi vì sao anh có những
việc không như ý? Phải chăng vì các nhân gây ra từ xưa đã đến lúc
trổ quả? Anh cần tự hỏi tại sao mình bị đối xử tàn tệ? Tại sao lại
sinh ra với thân phận nô lệ? Tại sao yêu mà không được đáp lại,
còn bị mắng chửi nhục nhã?
Hiển nhiên, những việc như thế có thể quá nặng nề với anh vào lúc
đó nhưng nếu nhìn lại các kiếp xa xưa hơn nữa, có lẽ anh sẽ biết
được căn nguyên và không còn phản ứng như thế. Đó là lý do tôi
khuyên anh không nên trách người mà hãy tự trách mình.
Dường như vị tu sĩ này không những nhìn thấu tâm tư của tôi, mà
còn biết được quá khứ của tôi một cách rõ ràng. Đang định nêu thắc
mắc với ông thì Harahvi đã lên tiếng:
- Nhưng làm sao biết được mình đã làm những gì trong những kiếp
trước? Chúng ta đâu có ký ức gì.
Vị tu sĩ thong thả đáp:
- Lý do mọi người không thể nhớ được những việc họ đã làm trong
quá khứ vì trong hàng ngàn kiếp sống con người đã tạo biết bao
nhân xấu cũng như tốt, không thể biết được nhân nào đang trổ quả.
Do đó mà mọi người phải trải qua nhiều đời, nhiều kiếp, để học hỏi,