MUÔN KIẾP NHÂN SINH - TẬP 3 - Trang 248

Họ phát động việc trao gửi tình thân ái, sự tử tế, lòng sẻ chia đến
người khác bằng cách trả tiền cho người ăn sau như gửi đến một
món quà tặng, tạo một dây thân ái từ người này qua người khác. Ý
tưởng này được khởi đầu từ vài năm trước nhưng đến nay đã lan
rộng khắp nơi, khiến các chuyên gia kinh tế đã đặt cho nó cái tên:
"Kinh tế quà tặng" (Gift Economy) hay sự trao đổi các giá trị nhưng
không phải mua bán mà cho đi vô điều kiện.

Lời giải thích của Farnum khiến tôi nhớ lại một việc xảy ra cách đây
không lâu. Hôm đó tôi lái xe đi New Jersey, có đi qua một trạm thu
phí. Khi tôi dừng xe để trả tiền thì người thu phí nói rằng xe trước đã
trả phí cho tôi rồi. Thấy vậy Angie nói ngay: "Nếu thế chúng tôi cũng
muốn trả phí cho xe sau". Tiếp tục cho đi khi nhận được điều gì tốt
đẹp đã có truyền thống lâu đời, có cả một thành ngữ cho hành động
này (Pay it forward). Tôi nghĩ quán ăn này hoạt động với sứ mệnh
lan tỏa tinh thần này.

Farnum giải thích thêm:

- Karma Kitchen là quán ăn không có giá biểu, thực khách đến dùng
bữa muốn trả bao nhiêu cũng được, và số tiền đó là để làm quà tặng
cho người ăn sau. Quán hoạt động với tinh thần phục vụ, mục đích
là cho đi, không mong đợi gì hết. Việc nhận quà tặng từ người ăn
trước rồi lại tặng quà cho người ăn sau, dù không ai quen biết ai,
cũng là một niềm vui nhẹ nhàng, thầm lặng mà ai cũng có thể trải
nghiệm. Hành động cao đẹp này trở thành phong trào lan tỏa tình
thân ái đến mọi người. Nguyên lý của nó là khuyến khích các hành
động tử tế để chuyển hóa sự ích kỷ thành lòng vị tha và lan tỏa tình
thân ái đến những người khác.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.