Tôi mỉm cười, tán thưởng:
- Hay thật. Quả là một hình thức cho đi ý nghĩa. Cá nhân tôi cho
rằng nó mang ý nghĩa hơn các quán ăn từ thiện.
Farnum gật đầu:
- Các quán ăn từ thiện dành cho người nghèo được điều hành bởi
các hội từ thiện. Người đến ăn tuy không phải trả tiền nhưng chỉ là
người tiêu thụ chứ không có dịp lan tỏa lòng thân ái đến người khác.
Hiện nay, tiền bạc là yếu tố chi phối mọi sự, bất cứ việc gì cũng phải
có tiền. Người ta nhìn ngắm nhau qua tiền bạc, so sánh nhau qua
tiền bạc và đối xử với nhau cũng qua tiền bạc. Karma Kitchen đem
lại cơ hội để mọi người đối xử tử tế với nhau một cách âm thầm qua
việc trả tiền cho người đến sau như một món quà.
Tôi gật gù tỏ ý đồng tình rồi chợt thắc mắc:
- Nhưng liệu không có giá biểu mà chỉ trông cậy vào sự tử tế của
mọi người thì quán có đủ kinh phí duy trì không?
Farnum bật cười:
- Anh nghĩ quán ăn như thế chắc phải lỗ vốn, đúng không? Không
đâu, điều bất ngờ là số tiền thu vào thường nhiều hơn số chi ra. Hầu
như ai đến ăn cũng muốn trả nhiều hơn để giữ cho quán hoạt động.
Tôn chỉ của quán là "Hãy cho mọi người một cơ hội làm điều tử tế rồi
họ sẽ lan tỏa điều này khắp nơi". Hiện nay, đã có vài chục quán
Karma Kitchen mở ra tại Mỹ, nó cũng lan ra Ấn Độ, Singapore,
Malaysia, Anh, Nhật Bản, Ba Lan, Pháp và Dubai. Đây là quan niệm
kinh tế mới lạ về sự hào phóng cho đi mà không đòi hỏi thu lại cái gì.
Mục đích của nó là làm khơi dậy những tiềm năng thân ái, tử tế sẵn
có của mọi người, để họ lan tỏa sự thương yêu đến tất cả nhằm
chuyển hóa chính mình cũng như người khác. Đó là lý do tôi mời
anh đến đây, tôi muốn anh để ý đến phong trào này.