dọa bởi cơn bốc đồng của một vài cá nhân sở hữu những nút bấm
kích hoạt vũ khí hạt nhân… Nếu có một chút để tâm đến những gì
đang diễn ra, tôi nghĩ chúng ta phải tự hỏi: "Chúng ta đang để lại
cho con cháu mình một thế giới như thế nào?". Trong những ngày
tháng đầy biến động này, tôi hy vọng mọi người đều biết tự hỏi thế
giới này đang đi về đâu? Phải chăng trong sự phát triển cao ngạo
của mình, nhân loại đã đi sai hướng suốt một thời gian dài – tự gọi
mình là chủ nhân địa cầu nhưng chúng ta có cư xử xứng đáng như
một chủ nhân có trách nhiệm tại ngôi nhà chung của muôn loài?
Những gì con người đang hướng tới cho đến nay vẫn là ngắn hạn,
đi về hướng phá hủy và tận diệt. Thảm họa đã ở trước mắt, tôi và
ông đã nhận ra, chắc chắn những người dẫn dắt thế giới cũng đã
nhận ra, nhưng có bao nhiêu người chọn chung tay cùng hành động
cho một thế giới tương lai tốt đẹp và nhân ái hơn cho loài người?
Ngay trong môi trường làm việc của tôi, đa số người trẻ đều tự hào
về sự tiến bộ của công nghệ. Họ quan niệm trí thông minh là điều
kiện tất yếu giúp con người tạo ra những phát kiến phi thường.
Nhiều công ty và trường đại học cũng đánh giá cao về trí thông minh
nên thường tuyển chọn nhân viên, sinh viên dựa trên chỉ số thông
minh.
Thomas gật đầu:
- Trong lúc khoa học và công nghệ phát triển, thu được nhiều thành
quả tốt đẹp, thay đổi đời sống con người thì dĩ nhiên số đông tin vào
các định luật khoa học và phát kiến công nghệ. Hiển nhiên trí thông
minh là cần thiết, chúng ta không thể phủ nhận khả năng của nó
được. Mọi tiện nghi của đời sống vật chất bây giờ đều là kết quả của
trí thông minh. Không lâu trước đây, nếu muốn đi xa, chúng ta phải
dùng xe ngựa, nhưng bây giờ thì đã có xe hơi hay phi cơ. Nhờ trí
thông minh, đời sống con người đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên,
câu hỏi của tôi là những người thông minh này đã và đang làm gì
với tài năng của họ?
Tôi trả lời: