Tức thì Ngô Vương Phù Sai đã tha thứ cho Câu Tiễn, rút quân trở về
nước.
Câu Tiễn bởi phải sang nước Ngô hầu hạ Phù Sai, liền đem công việc
nước phó thác cho các quan đại thần như Văn Chủng v.v... còn bản thân
mình đem theo Phạm Lãi để đi làm con tin. Họ vừa tới đô thành Cô Tô của
nước Ngô (nay là Tô Châu, Giang Tô), Ngô Vương Phù Sai liền để họ sống
ở trong một gian nhà đá ở bên cạnh phần mộ của Hạp Lư, làm tên nô bộc
nuôi ngựa cho Phù Sai. Mỗi khi gặp Phù Sai đi ra ngoài, Câu Tiễn liền đi
lại quanh quẩn ở bên xe, một bước không rời để luôn luôn nghe lời sai bảo
của Phù Sai. Có người chỉ vào Câu Tiễn nói:
- Tên nô bộc kia chính là Việt Vương Câu Tiễn.
Nghe thế, Câu Tiễn đành phải nhịn nhục câm lặng. Tuy trong lòng vô
cùng phẫn nộ, nhưng ngoài mặt lại giả vờ như không hề để ý gì, làm ra vẻ
cung kính tòng mệnh, một chút cũng không thể nhìn thấy bất kỳ sắc mặt
phẫn nộ nào.
Một lần, Phù Sai mắc bệnh. Phạm Lãi đã biết bệnh tình cũng chẳng có gì
đáng ngại, chẳng bao lâu sẽ khỏi, liền kể lại tình hình cho Câu Tiễn nghe.
Câu Tiễn liền nhờ Thái Tể Bỉ chuyển lời, nói rằng Câu Tiễn có tài nếm
phân người mà biết được bệnh tình lành dữ, xin tình nguyện xem bệnh cho
đại vương. Bỉ dẫn Câu Tiễn bước vào phòng ngủ của Phù Sai, vừa đúng lúc
Phù Sai đang muốn đại tiện. Phù Sai ra lệnh cho Câu Tiễn lùi ra ngoài.
Câu Tiễn nói:
- Cha có bệnh, cái lý làm con là phải hầu hạ chữa chạy thuốc men. Đại
vương bị ốm, kẻ thần hạ phải được phục dịch. Lại nói thần có thể nếm phân
của đại vương, mà biết được bệnh tình nặng nhẹ của ngài.
Câu nói vậy đã làm cho Phù Sai rất vui vẻ. Khi Phù Sai đại tiện xong,
Câu Tiễn đã nếm thử phân, chúc mừng nói:
- Bãi phân của đại vưởng vị chua lại hơi đắng, đó là “chứng bệnh thời
khí”. Đại vương bất tất phải lo lắng, chỉ vài ngày nữa là bệnh tình sẽ khỏi.