Do vì Trâu Kỵ sử dụng phương thức lấy bản thân mình để thuyết pháp,
khiến cho mọi người cảm thấy thân thiết đáng tin, những ví dụ nêu ra vừa
sinh động gần gũi thiết thực. Uy Vương nghe xong liền được gợi mở, nên
đã lập tức biểu thị tiếp nhận lời can gián của Trâu Kỵ. Ngày hôm sau, Tề
Uy Vương liền công bố mệnh lệnh đi khắp toàn quốc: “Các quần thần quan
lại và dân chúng ai dám vạch rõ lỗi lầm của quả nhân ngay trước mặt quả
nhân, sẽ được thượng thưởng. Ai dám viết thư phê bình quả nhân, sẽ được
trung thưởng. Ai dám nghị luận phê bình quả nhân ở đầu phố cuối ngõ, chỉ
cần quả nhân biết, cũng được hạ thưởng”.
Khi mệnh lệnh vừa được công bố, các quần thần, quan lại, dân chúng
hăng hái tới dâng lời can gián, trước cửa vương cung người kéo đến đông
đúc tấp nập như họp chợ. Do vì Uy Vương nghe lời biết sửa, chỉ sau mấy
tháng, số người đã giảm đi khá lớn, chỉ thỉnh thoảng mới có người còn
dâng lời can gián. Sau một năm, dân chúng liền cảm thấy không còn điều gì
đế mà nêu ra nữa. Căn cứ vào những kiến nghị của quần thần quan lại và
dân chúng, Tề Uy Vương kiểm tra kỹ thực hư, tu sửa lại luật lệnh, tuyển
chọn người hiền tài, trừng trị kẻ gian nịnh, đất nước được cường thịnh rất
nhanh chóng. Các nước Yên, Triệu, Hàn, Ngụy v.v... được biết sự biến đổi
của nước Tề, đã tấp nập phái cử sứ giả tới triều kiến Tề Uy Vương, Uy
Vương nhìn thấy những biến đổi này, nói với vẻ cảm khái rất sâu sắc:
- Như thế này có thể nói được là đã chiến thắng ngay ở triều đình vậy!
DỤNG TRÍ TUỆ CẢM PHỤC CON NGƯỜI,
DÙNG ẨN NGỮ ĐỂ BIỆN LUẬN SÁNG TỎ
Trâu Kỵ dựa vào ba tấc lưỡi giành được tướng ấn dễ như trở bàn tay, đã
gây nên rất nhiều phản ứng khác nhau ở nước Tề: Có người hâm mộ, có
người ghen ghét đố kỵ, có người bất bình. Thuần Vu Khôn là một biện sĩ
nổi tiếng ở nước Tề, Thuần Vu Khôn rất không phục đối với Trâu Kỵ. Để
so tài cao thấp, Thuần Vu Khôn đã vắt óc suy nghĩ đặt ra năm ẩn ngữ, hòng
lấy đó để gây khó dễ cho Trâu Kỵ. Thuần Vu Khôn nghĩ: Nếu Trâu Kỵ pha
trò, thì chí ít có thể phát tiết ra những ý xấu xa ở trong bụng mình. Sau khi