tới thảo luận, một số lớn đại thần đứng đầu là tể tướng Vương Quán, đều
chủ trương kế tập theo chế độ phân phong của đời Chu, phong cho các con
Tần Thủy Hoàng là vương. Chỉ có Lý Tư đề xuất ý kiến không đồng ý. Ông
đã lấy việc các nước chư hầu cuối đời nhà Chu chèn ép lẫn nhau, không
chịu nghe theo lệnh của vương triều nhà Chu làm ví dụ, nói rõ chế độ phân
phong không thể chấp nhận được nữa. Ông đề xuất phải thực hành chế độ
quận huyện, tập trung quyền ở trung ương, để tăng cường sự thống nhất.
Như vậy thì thiên hạ mới có thể được an ninh. Tần Thủy Hoàng cũng
không chủ trương đem một quốc gia thống nhất, lại lập ra rất nhiều nước,
làm thêm những nhân tố mất an ninh, cho nên đã ủng hộ và đồng ý với ý
kiến của Lý Tư. Tức thì ban bố chiếu lệnh, chia toàn quốc ra ba mươi sáu
quận, dưới quận lập ra các huyện. Việc xác lập chế độ quận huyện đã tăng
cường tập quyền trung ương của quốc gia phong kiến đã được thống nhất,
đã thúc tiến sự phát triển của lịch sử.
Thứ hai: Đốt sách chôn Nho. Sự việc này phát sinh vào năm 34 Tần
Thủy Hoàng (năm 213 trước Công nguyên). Trong một lần triều giá ở cung
đình, có một tiến sĩ nho học tên là Thuần Vu Việt đã phát biểu ý kiến phê
bình đối với việc không tuân theo chế độ nhà Chu mà phân phong cho con
em của Tần Thủy Hoàng. Ông ta đã mượn cổ ngụ kim, muốn Tần Thủy
Hoàng phải nhanh chóng sửa đổi, thực hành chế độ phân phong, nếu không
thiên hạ sẽ không giữ được lâu bền. Thuần Vu Việt đứng trên lập trường
của nhà nho nhìn nhận nền chính trị của Tần Thủy Hoàng, do vậy nên đã có
sự xa lạ, không phù hợp với tư tưởng pháp gia và chính sách mà Tần Thủy
Hoàng kiên trì đeo đuổi. Tần Thủy Hoàng rất không hài lòng với sự phê
bình của Thuần Vu Việt, đã trao Thuần Vu Việt cho Lý Tư nắm giữ tướng
quyền lúc đó xử lý. Tuy Lý Tư là học trò của Tuân Tử, nhưng ông luôn
luôn theo đuổi tư tưởng pháp gia, chủ trương hình phạt nghiêm khắc, pháp
luật khắt khe. Lý Tư cho rằng, những tư tưởng và chủ trương của nho gia ở
trong triều đình hay ngoài xã hội đều là sự uy hiếp đối với nền thống nhất
và chế độ tập quyền trung ương của Tần; còn tư tưởng của các nho sinh lại
bắt nguồn từ việc đọc sách.