Sở Thành Vương cho rằng Trùng Nhĩ nhiều lần gặp đại nạn mà không
chết. Đó là việc trời giúp đỡ ông ta. Tuỳ tiện giết chết Trùng Nhĩ là chống
lại ý trời. Do đó, họ đã không giết Trùng Nhĩ.
Về sau, Trùng Nhĩ đã lên làm vua nước Tấn. Vào năm 20 Chu Tương
Vương (năm 632 trước Công nguyên), quả nhiên Tấn, Sở đã bùng nổ ra
một cuộc đại chiến. Đây chính là một cuộc chiến ở Thành Bộc nổi tiếng
trong lịch sử. Tấn Văn Công Trùng Nhĩ đã không trái lời hứa trước, đã lùi
tránh ba xá, lùi trước tiến sau; một mặt thực hiện lời hứa với Sở Thành
Vương khi còn lưu vong ở nước Sở năm nọ, tỏ rõ cho các nước chư hầu
biết rằng nước Tấn không nuốt lời hứa, vong ân phụ nghĩa, bất đắc dĩ mới
phải ứng chiến, còn nước Sở thì sừng sộ hiếp người. Trên mặt đạo nghĩa,
Trùng Nhĩ đã giành được sự đồng tình của các nước chư hầu, đã kích động
được sĩ khí của quân Tấn. Mặt khác, hành động của Trùng Nhĩ đã tiến thêm
một bước khiến cho Tử Ngọc, chủ soái của quân Sở kiêu ngạo khinh địch,
đã đạt được mục đích dụ địch tiến vào sâu. Sau đó sử dụng cách đánh khép
chặt hai cánh, tả hữu đều bắn cung vào một đích, đã đại thắng quân Sở.
KHOAN DUNG TỘI LỖI,
CẮT TRỪ ÁC ĐẢNG
Năm thứ hai Thái tử Thân Sinh bị giết, Tự Nhân Phi (tự là Bá Sở, thời
Văn Công là Bột Đề) từng phụng mệnh Tấn Hiến Công tới Bồ Thành giết
chết Trùng Nhĩ. Khi Văn Công nhảy tường chạy, Tự Nhân Phi đuổi gấp
không tha, vung kiếm chặt đứt vạt áo của Trùng Nhĩ. Sau đó, Trùng Nhĩ
chạy trốn tới nước Địch, Tự Nhân Phi lại phụng mệnh Tấn Huệ Công tới
giết hại Trùng Nhĩ. Đối với Trùng Nhĩ, Tự Nhân Phi là một người thù. Sau
khi Tấn Văn Công chấp chính, dư đảng của Huệ Công là Lữ Sanh, Khích
Nhuế, âm mưu đốt cháy cung thất, chờ khi Văn Công ra cứu hỏa thì giết
chết Văn Công. Tự Nhân Phi biết được âm mưu này, muốn báo cho Trùng
Nhĩ biết, lấy việc này để giảm nhẹ tội lỗi ngày trước. Thoạt đầu, Trùng Nhĩ
không muốn gặp, Tự Nhân Phi nói: