muốn đoạt lấy ngôi vua. Chu Tương Vương chạy trốn tới nước Trịnh, yêu
cầu các nước chư hầu phát binh cứu giúp nhà vua. Tấn Văn Công dựa theo
kế của Cô Yển, Triệu Suy, thân dẫn đại quân đánh bại quân Địch, bắt sống
được Thái Thúc Tử Đái, hộ tống Chu Tương Vương trở về Lạc Ấp, lập
công đầu trong việc ổn định vương thất nhà Chu, được coi là Tề Hoàn
Công tái thế. Chu Tương Vương thiết tiệc uý lạo Văn Công, rồi đem các
đất Dương Phan (nay là huyện Tế Nguyên, Hà Nam), Nguyên Thành (nay
là Tây Bắc huyện Tế Nguyên, Hà Nam) ở trong vương kỳ thưởng cho Văn
Công.
Sau trận chiến Thành Bộc, Tấn Văn Công đã xây dựng vương cung cho
vua Chu ở Tiễn Thổ (nay ở phía Bắc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam),
dẫn đầu các nước chư hầu hội thề ở Tiễn Thổ, ký kết hiệp ước liên minh,
hơn thế còn đem bọn tù binh và chiến lợi phẩm của nước Sở dâng lên cho
Chu Tương Vương. Chu Tương Vương đã dùng sách thư ra lệnh cho Tấn
Văn Công làm lãnh tụ các nước chư hầu, thưởng cho xe lớn cùng với phục
trang nghi trượng tương ứng, một chiếc cung màu đỏ, một trăm mũi tên
màu đỏ, mười chiếc cung màu đen cùng với một ngàn mũi tên, một chum
rượu thơm và ba trăm dũng sĩ. Chu Tương Vương bắt Tấn Văn Công phải
phục tùng mệnh lệnh Thiên tử, an ủi vỗ về chư hầu bốn phương, trừng trị
kẻ tà ác. Tấn Văn Công đã ba lần từ chối, sau đó mới tiếp nhận mệnh lệnh.
Mùa đông cùng năm, Tấn Văn Công lại hội thề với các nước ở đất cũ, còn
mời cả Chu Tương Vương cùng tới, trên danh nghĩa là dẫn đầu các nước
chư hầu tới triều kiến vua nhà Chu, hơn thế còn mời Chu Tương Vương đi
săn, trên thực tế là ép Thiên tử để ra lệnh cho các nước chư hầu. Khổng Tử
nói: “Sao lại có thể dùng chư hầu để mời nhà vua được!”, cho nên “Xuân
Thu” đã kiêng kỵ lảng tránh sự việc này, chỉ nói “Nhà vua tới săn bắn ở Hà
Dương” (nay là phía Tây Nam huyện Mạnh, tỉnh Hà Nam). Có thể nhìn
thấy quyền thế của Tấn Văn Công lúc đó đã đủ sức khống chế Thiên tử nhà
Chu rồi!