Dương Nhạn Sinh - Bạo Thúc Diễm - Chu Chính Thư
Mưu Trí Thời Tần Hán
Dịch giả: Ông Văn Tùng
Chương 3
Thống Nhất Đại Nghiệp, Tính Ưu Việt Nhiều
Tần Vương Doanh Chính sau khi giải quyết xong vụ tranh giành quyền lực
với Lã Bất Vi, lập tức bước vào cuộc chiến tranh thống nhất 6 nước. Bắt
đầu từ năm 230 trước Công nguyên, các nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên,
Tề lần lượt bị tiêu diệt, chỉ trong vòng 10 năm, đến năm 221 trước Công
nguyên Tần Vương Doanh Chính đã hoàn thành thống nhất đại nghiệp.
Việc thống nhất của Tần là một sự kiện lớn trong lịch sử Trung Quốc, có
ảnh hương sâu rộng tới đời sau.
Sau khi thống nhất 6 nước, Tần Vương Doanh Chính cho rằng việc dùng
tiếp cách gọi "Vương" đã không thể hiện được sự uy nghiêm của ông ta.
Thông qua sự bàn bạc của quần thần, Tần Vương quyết định hợp tất cả
cách gọi tam hoàng ngũ đế trong truyền thống thời cổ thành một cách gọi
mới về người thống trị cao nhất - cách gọi "hoàng đế ra đời. Doanh Chính
là vị hoàng đế đầu tiên nên gọi là Thủy Hoàng Đế, các đời sau thì lần lượt
gọi theo đời thứ hai, đời thứ ba... Đồng thời, một chế độ lấy hoàng đế làm
trung tâm cũng tương ứng xuất hiện. Ví dụ hoàng đế tự xưng là "trẫm",
mệnh của hoàng đế gọi là "chế”, lệnh gọi là "chiếu”, đại ấn gọi là "tỉ"...
Hoàng đế có địa vị và quyền lực tối cao, quan lại chủ yếu của cả nước do
hoàng đế bổ nhiệm, quân đội phải do hoàng đế đích thân điều động.
Sau khi Tần thống nhất, Tần Thủy Hoàng áp dụng hàng loạt biện pháp để
xây dựng chế độ thống nhất trong phạm vi cả nước. Trên diện chính trị, Tần
Thủy Hoàng đi đầu trong việc đặt ra chế độ "Tam công", "Cửu khanh"
trung ương lấy hoàng đế làm trung tâm. Các chức quan này đều do hoàng
đế bổ nhiệm, hơn nữa cấm cha truyền con nối. Ở địa phương, bãi bỏ chế độ
phân phong từ đời Chu đến nay, chia cả nước thành 36 quận (sau này mở