13. Lương Hữu Khánh
Chi họ Lương ở Thanh Hóa, phong phú có tiếng nhất ở vùng ấy. Tổ họ ấy khi xưa sinh được ba con giai, thành ra ba chi. Đang khi cuối
đời nhà Trần loạn lạc, một chi xiêu dạt sang Tàu, ở ngụ tỉnh Vân Nam. Có người làm nên, đời đời được tập phong tước vương. Một chi
thiên ra ở xã Tào Sơn huyện Ngọc Sơn, cũng kế thế đăng khoa. Còn có một chi thì ở xã Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, sinh ra ông Lương
Đắc Bằng, đỗ Bảng nhãn trong thời Cảnh Thống đời vua Hiến Tôn nhà Lê.
Lương Đắc Bằng vì có người họ ở Tàu, mới mua được nhiều thứ sách quí, cho nên học giỏi về nghề lý số. Ngoại 50 tuổi, chưa có con
giai, chỉ có người vợ lẽ có mang được 3 tháng. Khi gần mất, dặn vợ lẽ rằng:
- Nếu mai sau sinh được con giai, thì tất nó làm nên công danh sự nghiệp, tỏ rạng cửa nhà. Khi nào con lớn, thì nên cho đến học ông
Trạng Trình ở huyện Vĩnh Lại, thì mới giữ được nền nếp nhà ta.
Nói đoạn thì mất. Về sau quả người vợ lẽ sinh được con giai, mới đặt tên là Hữu Khánh.
Hữu Khánh thông minh sớm, mười tuổi đã biết làm văn; mà sức ăn cực khỏe, thường ăn gấp ba bốn phần người thường mới no. Mẹ lắm
khi nhịn đói để con ăn.
Nhà ông ấy nghèo, mới bảo với mẹ rằng:
- Cha tôi khi xưa làm quan thanh liêm, đến nỗi con cháu không đủ cơm cháo mà ăn, vậy mẹ cho tôi đi nơi khác, tùy đường kiếm ăn, kẻo
để phiền đến bụng mẹ.
Mẹ buồn rầu nói rằng:
- Mẹ con không nuôi được nhau, đến nỗi để con đi tha phương cầu thực, mẹ lấy làm đau xót ruột lắm.
Nói thế rồi, ứa hai hàng nước mắt. Ông ấy từ mẹ đi ra, sang các nhà học trò bên cạnh huyện ngâm thơ làm phú để độ thân.
Một khi đi qua bến đò sông Tam Kỳ, gặp 5, 6 nhà sư tự đám chay về, mang một cái đẫy có 100 phẩm oản. Ông ấy từ nói rằng:
- Học trò nghèo nhịn đói đã mấy hôm nay, may gặp được Đại bồ tát, tưởng là có bụng bố thí làm sao, lại bủn xỉn cho được vài phẩm
oản, thì ăn chả bõ dính mồm.
Có một nhà sư già cười nói rằng:
- Thầy kia đã gọi là học trò, thì thử làm một bài thơ “Học trò đi thuyền chung với nhà sư”, hễ sang khỏi sông mà xong bài thơ, thì có
bao nhiêu oản xin biếu cả.
Ông ấy ngồi trong thuyền, ngâm ngay một bài thơ như sau này:
Một pho k inh sử bộ k im cương,