Ngài học tinh về thuật số, phàm các việc tai, tường, họa, phúc, cùng là ngày mưa, ngày nắng, việc gì cũng biết trước. Có một người học
trò tên là Bùi Sinh, ngài bảo người ấy về sau tất phú quí. Đến khi Bùi Sinh gần 70 tuổi vẫn còn nghèo hèn, cho là ngài đoán số mình sai.
Ngài cười không nói gì. Một hôm ngài bảo Bùi Sinh mượn lấy 10 chiếc thuyền đánh cá, cho bơi ra bến Hồng Đàm bể Vạn Ninh, dặn đến
giờ ấy… hễ gặp cái gì thu lấy đem về, chắc được thưởng to. Bùi Sinh tuân lời, quả nhiên gặp một bà cụ già, áo mũ chỉnh tề, thuyền bạt
phong đến đấy. Bùi Sinh đem về phụng dưỡng coi như mẹ. Được vài hôm có quan Tổng đốc Quảng Đông sai người sang nói với vua
rằng: “Thái phu nhân chơi bể bạt phong, xem thiên văn thì thấy ở phương nam, xin nhà vua vì nghĩa làng giềng mà tìm giúp cho.”
Ngài sai Bùi Sinh đem bà cụ ấy dâng lên, vì thế được phong tước là Thao quận công.
Năm Thuận Bình thứ 8 nhà Lê (1556), vua Trung Tôn mất không có con, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền, có bụng hồ nghi, không
biết nghĩ ra thế nào. Hỏi Phùng Khắc Khoan, Khắc Khoan cũng không biết thế nào cho phải, mới sai người đi lẻn ra Hải Dương để hỏi
ngài, ngài chẳng nói câu gì, chỉ ngoảnh lại bảo đầy tớ rằng:
- Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ.
Nói rồi, sai tiểu quét dọn đốt hương, để ngài chơi chùa và bảo tiểu rằng:
- Giữ chùa thờ phật thì ăn oản.
Đó là có ý khuyên Trịnh Kiểm tìm lấy dòng dõi nhà Lê mà lập lên, mà phải giữ đạo làm tôi ăn mày phật thì mới được hưởng phúc.
Sứ giả về nói với Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm hiểu ý, mới đón vua Anh Tôn lập lên, quả nhiên dựng lại được cơ đồ nhà Lê mà họ Trịnh cũng
đời đời được vinh hiển.
Khi ấy đức Dụ Tổ triều Nguyễn ta (Đức Nguyễn Hoàng) đang có hiềm với Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm có ý muốn âm hại, đức Dụ Tổ lo sợ,
không biết nghĩ mưu gì cho tránh được nạn, mới sai người đi hỏi ngài. Bấy giờ ngài đang chống gậy chơi trong vườn cảnh. Trong vườn
có vài mươi ngọn núi non bộ, lại chồng chất đá làm một rặng núi ngang. Trên núi cây cối rườm rà, có đàn kiến đang bò trên tảng đá, ngài
nhìn xem đàn kiến, rồi tủm tỉm cười nói rằng:
- Một dải núi Hoành Sơn (núi ngang) kia có thể yên thân được muôn đời.
Người kia thấy nói vậy, về nói với đức Dụ Tổ. Đức Dụ Tổ biết ý, mới xin vào trấn thủ trong Thuận Quảng (trong ấy có dải núi Hoành
Sơn), quả nhiên mỗi ngày một thịnh, mở ra cơ nghiệp Nguyễn triều.
Học trò ngài rất nhiều, nhưng chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử là làm nên to mà có danh
vọng hơn cả. Phùng, Lương thâm thúy về nghề lý học, cùng làm danh thần lúc nhà Lê trung hưng.
Khi trước ông Phùng Khắc Khoan thuê nhà đến học ngài. Lúc học giỏi rồi, ngài đang đêm đến chơi nhà chọ, gõ cửa mà bảo rằng:
- Gà gáy rồi, sao không đứng dậy mà thổi cơm ăn, còn nằm mãi đấy ư?