sạch và đem chôn. Trên mộ anh, để đánh dấu, người ta trồng một cây sồi và
một cây thông, và dân chúng gọi đó là “nấm mộ Seijuro.” Chẳng còn gì thê
thảm hơn, cho dù là trong cái thế giới vốn bi đát này.
Hằng đêm, Onatsu đến chịu tang bên nấm mồ Seijuro và nàng thấy hình
ảnh anh hiện ra rõ rệt như trong quá khứ. Cứ thế, cho đến một trăm ngày,
nàng ngồi sụp xuống trên đám cỏ ướt đẫm hơi sương, bên nấm mộ người
yêu, rút một con dao trong túi ra để toan tự sát.
Những người đàn bà đi cùng Onatsu giằng lấy con dao, bảo: “Có chết bây
giờ cũng chẳng cứu vãn được điều gì. Nếu nỗi đau của cô quả thật chân
thành cô hãy cắt tóc đi tu. Cầu nguyện cho chúng sinh bớt đau khổ, đó là
con đường chứng ngộ của đức Phật, và tất cả chúng tôi sẽ theo gương cô.”
Lời họ làm dịu lòng Onatsu. “Tôi xin theo lời các bà,” nàng trả lời. Và họ
chứng nhận lòng thành của nàng bằng cách cùng tình nguyện xuất gia với
nàng.
Thế rồi, họ cùng đến chùa Chân Giác. Được vị sư trưởng của chùa chấp
thuận, Onatsu đổi y trang mùa hè của mình lấy bộ giới phục màu đen. Nàng
trở thành một ni cô đáng kính nhất.
Sáng sáng, nàng mang nước suối từ thung lũng về dâng lên bàn thờ, chiều
chiều mang hoa hái từ đỉnh núi về cúng Phật. Đêm hè, dưới ánh đèn dầu,
nàng nhiệt thành tụng kinh cứu khổ. Mọi người thán phục và cảm thương
nàng, bảo nàng là hiện thân của Đức Bà Chujo, mà dân chúng nghe đến
trong những truyện truyền kỳ Nhật Bản.
Cả anh trai của Onatsu khi đến thăm nàng ở chùa cũng thấy tâm hồn mình
hướng về Chân Giác. Bảy trăm đồng tiền vàng vốn gây nên oan nghiệt kia,
giờ được đem góp vào việc lo chu toàn cho người chết, và chính bản thân
người anh trai của Onatsu cũng để tang Seijuro. Vào thời gian này, chuyện
về Onatsu được dựng thành một vở tuồng ở vùng Kyoto – Osaka, rồi từ đó
lan rộng đến những vùng xa xôi nhất, truyền đến từng thành phố, từng xóm
làng như một dòng suối tình yêu bất tận. Người ta có thể buông mình cùng