cũng rất coi thường, chỉ còn thiếu nước là hỏi thẳng gia đình các
cậu đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua tấm bằng này.
Ngành tôi học ở Australia là kế toán, không phải vì tôi theo đuổi
và yêu thích chuyên ngành này đến mức nào, mà chỉ đơn thuần là
do dễ qua, dễ tốt nghiệp. Mẹ tôi đã làm cả đời ngành này, thế nên
cũng rất hiểu, trước khi tôi đi xin việc, bà đã nói với tôi về độ nhạy
cảm của cái nghề này, tổng kết lại là tốn công, tốn sức, dễ bị ghét,
rủi ro cao. Làm sổ sách giả chắc chắn không ổn, sớm muộn rồi
cũng bị cơ quan công an sờ gáy; làm sổ sách chuẩn cũng không ổn,
sớm muộn gì cũng bị ông chủ cho thôi việc. Thế nên tốt nhất là
không nên làm. Tôi nghĩ bụng thế con làm gì? Ngành tự động hóa
mà tôi học hồi đại học đã gần như quên sạch. Mẹ tôi liền bảo ta có
thể đi đường vòng để cứu nước, làm những nghề có liên quan, ví dụ
làm trong văn phòng công ti tư vấn chứng khoán, việc nào làm được
đều thử xem. Không phải có rất nhiều người như vậy sao? Học xây
dựng lại làm về quảng cáo, học môi trường lại làm về bất động sản,
người đông quá nên khó phân công, xã hội cho các con cơ hội tìm
kiếm tương lai con gì, con trai, ngày mai đến ngân hàng nộp hồ sơ
đi.
Trước lời khuyên nhủ, định hướng của mẹ, tôi đã cậy cục nhờ
người giúp để được đi phỏng vấn ở một ngân hàng nọ có tên viết
tắt bằng tiếng Anh rất oai. Lúc đó trong phòng hội nghị, những
kẻ xin việc như chúng tôi chẳng khác gì những chú cừu non chuẩn bị
lên thớt, bị họ vây quanh. Rõ ràng là cô nàng ngồi bên cạnh tôi có vẻ
căng thẳng, liên tục chọc ngón tay vào chiếc tất giấy dưới bộ váy
của mình, tôi nhìn thấy chỗ đó thủng hẳn một lỗ.
“Xin mời các bạn giới thiệu sơ qua về mình, nói về hoàn cảnh
gia đình, định hướng trong tương lai và lí do tại sao lựa chọn ngân
hàng của chúng tôi. Bắt đầu từ bên trái nhé”.