21
Nghĩa là tình yêu thì "không khoa học"! Vậy nên chăng ta hãy ngừng yêu nhau, đôi lứa
nam nữ thôi yêu nhau, cha mẹ con cái trong gia đình đừng yêu nhau nữa?
Nghĩa là, khoa học có chỗ áp dụng của nó, và thực ra hiểu biết mang lại do khoa học dù
khổng lồ nhưng vẫn còn cực kỳ nhỏ bé so với những điều nó chưa biết, hoặc không thể
biết! Khoa học chỉ là một phương pháp, một cách nghĩ cách làm trong vô số phương pháp.
Nó có ưu và nhược, có cái hay và cái dở, không hơn không kém!
KHOA HỌC LÀ MỘT MÔ HÌNH
Ở trên tôi vừa nói tới "không khoa học". Vậy còn "khoa học"? Nó nghĩa là gì?
Quý vị đừng ngạc nhiên nếu quý vị không tìm thấy một định nghĩa thống nhất cho cái từ
"khoa học" này! Trong nhiều năm tôi đã thảo luận chủ đề "khoa học là gì?" với rất nhiều vị
làm trong môi trường khoa học chuyên nghiệp, khi tôi hỏi ngay câu hỏi này và đề nghị trả
lời liền thì kết quả tôi nhận được là phần lớn các câu trả lời đều khác nhau! Nghĩa là, trong
cái ngành luôn luôn đòi hỏi tính nhất quán (consistent) cao độ thì thật thú vị là chính cái
định nghĩa về nó lại chưa bao giờ nhất quán (inconsistent)!
Cá nhân tôi, sau nhiều năm suy nghĩ, thảo luận, học hỏi, tôi rút ra cho riêng mình một định
nghĩa về khoa học như sau: KHOA HỌC LÀ MỘT MÔ HÌNH!
Mô hình (model) có thể đơn giản như một con cá mà trẻ em nặn lên từ đất nặn, hay xe cộ
nhà cửa mà trẻ em dựng lên từ một bộ đồ chơi Lego, hay phức tạp hơn như statistical
modeling of natural language processing (mô hình thống kê trong xử lý ngôn ngữ tự
nhiên), hay phức tạp hơn nữa như mô hình các quark của Murray Gell-mann trong vật lý
hạt (particle physics).
Bản chất của mô hình hóa (modeling) trong khoa học là tính ứng dụng thực tiễn của nó.
Mô hình không cho biết bản chất của hiện tượng là gì, nói mạnh hơn nó không thể biết!
Quan trọng là nó làm việc được, chứ chuyện mô hình đó có chính xác là bản chất hiện
tượng hay không thì giới khoa học gia không quan tâm tới! Tôi sẽ giải nghĩa cái đoạn văn
triết lý ba xu lằng ngoằng vừa rồi bằng một ví dụ đơn giản như sau.
• Mô hình địa tâm của Ptolemy (geocentric model) cho rằng Trái Đất là tâm vũ trụ, trong
hàng ngàn năm được coi là DUY NHẤT ĐÚNG để giải thích nhiều hiện tượng thiên văn,
và được dùng để tính lịch. Bây giờ người ta cho là mô hình này không còn đúng nữa,
nhưng ta vẫn có thể dùng nó để tính thủy triều chẳng hạn.
• Rồi mô hình nhật tâm của Corpenicus (heliocentric model) thay thế mô hình Ptolemy,
cho rằng Trái Đất và năm hành tinh khác là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ quay xung quanh mặt
trời. Rồi dần dần được bổ sung thành một hệ mặt trời với chín hành tinh. Rồi gần đây
người ta lại bỏ đi Diêm Vương Tinh (Pluto) và hệ mặt trời gồm tám hành tinh!