- Nầy con, Thân công tử đành lòng thích tử phụ thân ta, người như vậy
thì còn tình gì mà vị. Hôm qua ta muốn giết phứt cho rồi, ngặt vì lúc đưa
gươm lên ta thấy người đã biết lỗi nên quì mà chịu chết, trong lòng ta bất
nhẫn, nên ta không nỡ hạ thủ chớ phải ta vị tình vị nghĩa chi đâu.
- Nếu công nương không vị tố sao công nương đến đây không xin với
Bệ hạ chém Thân công tử mà lại nài xin làm tội quan Tướng quốc, rồi
chừng Bệ hạ truyền chém công tử, thì công nương lại bất tỉnh nhơn sự té
xỉu trong mình con?
- Không phải ta vị tình. Ta đến đây, ta không muốn buộc tội Thân công
tử ấy là tại ý ta muốn cho Thánh thượng thấy cái lý mà phân đoán. Thân
công tử với phụ thân ta có thù oán chi nhau đâu. Tại quan Tướng quốc xúi
con nên mới sanh sự. Vì vậy nên ta mới xin Thánh thượng làm tội Tướng
quốc chớ. Còn sự ta nghe xử tử Thân công tử mà ta kinh tâm đó, là tại ta có
lòng nhơn từ ta thấy quân rút đao áp bắt một người thì ta động lòng đó mà
thôi. Con nói Bệ hạ tha Thân công tử, thiệt như vậy hay không con?
- Thưa công nương, tha mà chưa tha thiệt.
- Sao vậy?
- Số là khi bệ hạ dạy chém Thân công tử, thì có quân ngoài ải đem
biểu về dưng lên nói rằng: ChiêmThành cử đại đội hùng binh đánh lấy châu
quận nhiều lắm. Quan Binh bộ Thượng thơ tâu sao đó không biết, mà lịnh
Bệ hạ bắt Thân công tử trở lại, rồi Bệ hạ truyền cho công tử phải đem binh
đi dẹp giặc, nếu thắng thì Bệ hạ sẽ xá tội và cho kết duyên tơ tóc với công
nương, còn như thua thì Bệ hạ sẽ trảm quyết về cái tội giết đại thần và tội
cầm binh để thất bại.
Lệ Bích vừa nghe nói nàng vừa đứng dậy, rồi vịn vai hai thể nữ lần
bước về dinh. Nàng và đi và nói rằng: ''Giặc Chiêm Thành là giặc dữ, Thân
công tử còn nhỏ tuổi quá không biết có đủ tài mà dẹp nổi hay không''?