sáng loáng. Chị nhìn hai cái xoong nhôm, thành xoong bẹp lổn nhổn và bất
giác thở dài.
Không biết cái bếp và người phụ nữ có họ hàng hay huyết thống gì
không? Hình ảnh cái bếp và người đàn bà cứ gắn vào với nhau. Từ lúc lớn
lên chị đã theo mẹ vào bếp, khi ấy bà nội hãy còn sống, chị nhìn thấy bà
cũng hị hụi trong bếp. Bên nhà bà ngoại cũng thế, nhà bác Hát trưởng họ
cũng vậy. Chị vừa bước thẳng xuống bếp vừa nghĩ đến mình, thế hệ của
những người thuộc ngày hôm qua và những người của ngày hôm nay.
Người phụ nữ hiện đại có cần cái bếp không? Việc giải phóng phụ nữ ra
khỏi những công việc gia đình, ly thân với cái bếp, giống như cắt chia
huyết thống, vậy cái bếp ở đâu? Liệu gia đình không có cái bếp không?
Hằng là con gái lớn của chị, lấy chồng đã một năm nay, thỉnh thoảng vẫn
gọi điện cho chị hỏi cách làm món này món kia. Chẳng phải là nó bị di
truyền đấy chứ? Nghĩ đến đây chị thấy như mình phạm một điều gì rất là hệ
trọng, trong lòng thấy sốt ruột, thấy cần phải làm ngay, cần gọi Hồng xuống
nhưng phải có lý do, một việc ghê gớm nào đó đủ làm đối trọng với con gái
chị vì chị biết tính nó sẽ không dễ nghe những gì không cụ thể. Chị nhẹ
nhàng gọi con nhưng nghe đanh đanh. Nó lại tèn tẹt chạy từ tầng hai xuống,
thò cái cổ trên bậc cầu thang xuống hỏi: "Gì thế mẹ?". Chị không trả lời,
vẫn đắm đuối với những ý nghĩ. Hồng đi xuống đến bên cạnh chị, thấy mẹ
nhìn qua ô cửa sổ bếp, cô nhìn theo và thấy anh thợ lúc nãy mặc bộ quần áo
màu da cam, mặt cũng có màu da cam đang gỡ những sợi dây trong cái mớ
bòng bong dây nhợ rồi thả từng sợi xuống đất.
- Hôm nay sang nhà cô Hân ăn cơm, con thấy gì?
- Thấy gì ạ? - Hồng thấy mẹ hỏi là lạ.
Liệu nó có hiểu không? Hay là không biết gì thật. Cái mà chị muốn
nói với con gái lại không thành chuyện để nói mà chỉ có bằng dự cảm mà
thôi. Cô Hân và chị Hiên là bạn với nhau, trước đây cùng làm một cơ quan.
Sau này cô Hân chuyển sang cơ quan khác nhưng hai người vẫn giữ mối