ngành đường sắt. Sự tức giận của các hành khách trên tàu nổi lên bao nhiêu
thì càng làm gia tăng sự vui mừng bấy nhiêu cho những khách còn đợi
ngoài phòng chờ, thắp cháy biết bao niềm hy vọng về một tấm vé tàu về
quê ăn tết. Hàng trăm người với lỉnh kỉnh hành lý lập tức đổ xô đến cửa bán
vé số bốn. Họ tách ra từ các cửa bán vé của ngày hai chín. Họ từ sân ga
chạy xô cả vào, cuộn lên như một cơn sóng thần. Cơn sóng người ấy không
tàn phá cái gì, không gây hại cho ai nhưng cứ xô đẩy, sục sôi lên trong sự
tranh giành. Nếu may mắn có một tấm vé về quê ăn tết hôm nay sẽ làm cho
họ hân hoan, vui sướng đến vô bờ. Nếu được về ngày hôm nay, con tàu
chạy xuyên qua đêm, chạy suốt cả ngày mai để rạng sáng ngày ba mươi họ
đã được về đến quê, để sáng ngày ra họ có dịp cùng với vợ con, anh em
máu mủ, ruột già sảnh sang đi chợ mua sắm cho một cái tết, cho bõ cả một
năm trời quăng quật trong cái thành phố nhung nhúc những người, vất vả
làm việc quần quật đến kiệt sức vì kiếm tiền.
*
Viên, Vân, Vi ra đến ga ngay từ đầu giờ chiều. Viên đã ngót ba mươi
tuổi, Vân tuổi hai lăm còn Vi mới mười sáu tuổi. Họ cùng làm trong một
nhà máy đóng giầy. Họ không cùng một quê nhưng xuống cùng một ga,
một cái ga xép của cái tỉnh Hà Nam đói nghèo có hạng. Cả đêm họ không
tài nào ngủ được vì cái nỗi háo hức về quê, nhưng cũng không làm họ mệt
mỏi. Nghe nhà ga thông báo chậm tàu, Viên nói:
- Biết thế mình bốn giờ ra ga cũng vừa.
- Thì ai mà biết được nhà ga lại tăng thêm toa. Nếu ngộ nhỡ họ không
nối thêm thì có phải nhỡ tàu không? Vân nói với chị Viên.
Cả ba chị em chưa vội vào ga, cứ đứng ngoài phòng chờ chuyện
phiếm với nhau. Khác với hai chị vào thành phố làm đã được mấy năm, Vi
năm ngoái theo bạn bè vào trong này, thiếu hai tháng nữa cô mới tròn mười
sáu tuổi. Bỏ lại làng quê với người bố nát rượu, đánh vợ như đánh rắn, lúc