được điều chỉnh, và nguồn cấp dữ liệu video từ máy quay được chuyển đổi
thành một hệ thống các giác hút ấn vào lưng họ. Nói cách khác, nếu bạn đặt
một vòng tròn ở phía trước của máy quay, người tham gia sẽ cảm thấy một
vòng tròn trên lưng. Đặt một khuôn mặt ở phía trước của máy quay, và người
tham gia cảm thấy khuôn mặt đó trên lưng. Thật đáng ngạc nhiên, người mù
có thể kiến giải được các vật thể, và cũng có thể trải nghiệm kích thước ngày
càng tăng của các vật tiếp xúc. Họ có thể, chí ít theo một nghĩa nào đó, nhìn
vật thể thông qua lưng của họ.
Đây là ví dụ đầu tiên của sự thay thế giác quan để các nghiên cứu tiếp sau
có thể được tiến hành. Các phiên bản hiện đại của cách tiếp cận này bao gồm
chuyển một video thành một đoạn âm thanh hoặc một loạt các cú sốc nhỏ trên
trán hoặc lưỡi.
Ví dụ tiếp theo là về một thiết bị có kích thước của một chiếc tem thư
được gọi là BrainPort, hoạt động bằng cách cung cấp những cú sốc điện nhỏ
cho lưỡi thông qua một lưới nhỏ nằm trên lưỡi. Một người mù đeo kính râm
với một máy nhỏ đính kèm. Các điểm ảnh của máy quay được chuyển đổi
thành các xung điện trên lưỡi, sẽ tạo ra cảm giác tê tê giống như vừa uống một
ly nước có ga. Người mù có thể trở nên khá thuần thục trong việc sử dụng
BrainPort, chuyển hướng di chuyển khi gặp chướng ngại vật hoặc ném bóng
vào rổ. Một vận động viên mù, Erik Weihenmayer, đã sử dụng BrainPort để
leo lên vách đá, định vị các mỏm đá và khe nứt từ các mô hình trên lưỡi của
mình.
Nếu việc “nhìn” qua lưỡi nghe thật điên khùng đối với bạn, thì bạn chỉ cần
ghi nhớ rằng việc nhìn thấy đơn thuần chỉ là các tín hiệu điện truyền vào bóng
tối trong hộp sọ của bạn. Thường thì điều này diễn ra thông qua các dây thần
kinh thị giác, nhưng chẳng có lý do gì mà thông tin này không thể truyền qua
các dây thần kinh thay thế khác. Như sự thay thế giác quan đã minh chứng,
não bộ tiếp nhận bất cứ dữ liệu nào đi vào và biết cách làm gì với chúng.