Thực ra chúng ta còn cách điều đó rất xa nếu xét về chiều sâu của sự bí ẩn
đằng sau cách não hoạt động, và chúng ta còn phải đi xa đến đâu nữa để giải
mã những bí mật của Mẹ Thiên nhiên.
Một trong những nỗ lực mới nhất để tạo ra một trí thông minh nhân tạo
được ghi nhận tại Đại học Plymouth ở Anh. Nó được gọi là iCub, và đó là một
robot hình người được lên ý tưởng và thiết kế để học hỏi như một đứa trẻ.
Thông thường, robot được lập trình trước với những thứ cần biết về nhiệm vụ
của chúng. Nhưng sẽ thế nào nếu robot có thể phát triển theo cách của một đứa
trẻ — thông qua tương tác với thế giới, hay bắt chước và học theo? Sau cùng,
những đứa trẻ không chỉ đến thế giới để biết cách nói chuyện và đi bộ - mà
chúng tò mò, chúng chú ý và bắt chước. Trẻ sơ sinh sử dụng thế giới chúng
đang ở như một sách giáo khoa để học theo. Liệu robot có thể làm như vậy
không?
iCub có kích thước của một đứa bé hai tuổi. Nó có mắt, tai và cảm biến xúc
giác, chúng cho phép iCub tương tác và tìm hiểu về thế giới.
Nếu bạn đưa một đối tượng mới cho iCub và gọi nó là “quả bóng màu đỏ”
chương trình máy tính sẽ tạo tương quan hình ảnh thị giác của vật thể với lời
nói. Nhờ đó, lần tiếp theo khi bạn đưa quả bóng màu đỏ và hỏi “đây là cái
gì?,” nó sẽ trả lời “đây là quả bóng màu đỏ.” Mục tiêu là với mỗi tương tác,
robot liên tục bổ sung kiến thức. Bằng cách tạo ra các thay đổi và kết nối bên
trong mã nội bộ của nó, nó tạo ra những phản hồi thích hợp.
Nó thường nhận biết sai. Nếu bạn đưa ra và gọi tên một vài đối tượng rồi
để iCub liệt kê chúng ra, bạn sẽ nhận lại một số lỗi và một số lượng lớn câu
trả lời “Tôi không biết.” Đó là tất cả các phần của tiến trình này. Nó cũng cho
thấy việc xây dựng trí thông minh khó như thế nào.
Tôi đã dành khá nhiều thời gian tương tác với iCub, và đây là một dự án
ấn tượng. Nhưng càng ở lại lâu tôi càng nhận ra rằng không có trí tuệ nào
đằng sau chương trình ấy cả. Mặc dù đôi mắt to và cử chỉ thân thiện và chuyển