biểu hiện thực ra lại là một phiên bản bị trì hoãn. Bộ não của bạn thu thập
mọi thông tin từ các giác quan trước khi nó quyết định câu chuyện về những
gì xảy ra.
Những chênh lệch về thời gian này không hề hạn chế khả năng nghe và
nhìn: mỗi loại thông tin cảm nhận mất một khoảng thời gian khác nhau để
xử lý. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi ngay cả trong một giác quan cũng
có những chênh lệch về thời gian. Chẳng hạn, phải mất nhiều thời gian hơn
để các tín hiệu tiếp cận bộ não từ ngón chân cái so với từ mũi của bạn.
Nhưng không có gì trong số đó thực sự rõ ràng với nhận thức của bạn: trước
hết bạn thu thập mọi tín hiệu, sau đó mọi thứ dường như được đồng bộ hóa.
Hệ quả kỳ lạ của tất cả những điều này là bạn chỉ sống trong quá khứ.
Thời điểm bạn nghĩ sự việc đang xảy ra thì đã qua lâu rồi. Để đồng bộ hóa
các thông tin đến từ các giác quan, cái giá phải trả là nhận biết có ý thức của
chúng ta tụt lại phía sau so với thế giới thực. Đó là khoảng cách không thể
bắc cầu giữa một sự kiện xảy ra và trải nghiệm ý thức của bạn về nó.
KHI CÁC GIÁC QUAN BỊ CẮT ĐỨT, BUỔI BIỂU DIỄN SẼ DỪNG
LẠI?
Trải nghiệm của chúng ta về thực tế là sản phẩm kiến tạo cuối cùng của
não. Mặc dù dựa trên tất cả các luồng dữ liệu từ các giác quan, nhưng nó
không phụ thuộc vào chúng. Làm sao chúng ta biết được điều đó? Bởi vì
khi bạn lấy đi tất cả, thực tế của bạn không dừng lại. Nó chỉ trở nên lạ lẫm.
Vào một ngày nắng ở San Francisco, tôi đi thuyền qua vùng biển lạnh
đến Alcatraz, đảo nhà tù nổi tiếng. Tôi dự định quan sát một căn phòng đặc
biệt được gọi là Hole. Nếu bạn đã phá vỡ các quy tắc ở thế giới bên ngoài,
bạn được gửi đến Alcatraz. Nếu bạn vi phạm các quy tắc trong Alcatraz,
bạn được gửi đến Hole.