4
Có một sự kiện đáng kể nữa.
Người ta gọi điện thoại đến cửa hàng, mời chúng tôi bán ý tưởng cho
công ty lớn để mở rộng thành chuỗi cửa hàng. Ý tưởng về cửa hàng đá bào
nhỏ bé của tôi.
Lúc ấy là buổi chiều, đúng lúc bận rộn nhất vì lũ trẻ tay nắm chặt tiền lẻ
ào đến mua đá bào, tôi đã nhờ Hajime từ chối giúp.
Con cái khách du lịch cùng trẻ con trong vùng học xong chạy chơi một
lúc rồi đến đây ăn đá bào. Đó chính là ước mơ của tôi kể từ sau khi nhìn
thấy các bé gái vừa ăn vừa cười nói ríu rít tại cửa hàng đá bào tuyệt vời ở
hòn đảo phía Nam nơi đã trở thành hình mẫu cho cửa hàng hiện nay của tôi.
Chính vì thế, tôi càng mải miết bào đá hơn bao giờ hết. Cố gắng tạo ra
những sợi đá bào lúc nào cũng mảnh mai trắng xóa, xinh đẹp, ngon lành.
Vì Hajime hiểu rất rõ về cửa hàng nên em biết thừa tôi không hề có ý
định nhân bản thành một chuỗi cửa hàng để kiếm lời lớn.
Lũ trẻ mỗi lần đến đây đều tranh nhau nói rất dễ thương: “Cho cháu đá
bào đậu đỏ,” “Cháu ăn đá bào chanh leo,” “Món ấy có chua không cô?”…
Nghe những giọng nói ấy tôi thấy như khỏe hẳn ra, mọi mệt mỏi đều tan
biến hết.
Mặc dù khách hàng lớn tuổi cũng rất quan trọng, nhưng chỉ cần nghĩ
rằng món đá bào của mình có thể đem lại dù chỉ một chút ký ức tốt đẹp khó
phai mờ trong cuộc đời các em, giống như tôi đã nhận được biết bao kỷ
niệm không thể nào phai trong quãng đời sống tại bờ biển này, là tôi lại
thấy mình thêm sức mạnh để cố gắng.
Có cả những em nhỏ là khách hàng quen thuộc được mẹ dẫn đến đây.
Và thỉnh thoảng giữa những tiếng bào đá roèn roẹt, tôi nghe được đứt
quãng những lời của Hajime. Có vẻ đầu bên kia đeo bám khá lì lợm.
Thỉnh thoảng tôi phải phì cười, lúc khác lại thấy tâm trạng rất khó tả khi
nghe văng vẳng bên tai những khúc hội thoại.