Mặc dù không phải quá cực đoan nhất nhất phải có espresso, tôi vẫn
thường xuyên bán trà lúa mạch, nhưng cứ có cảm giác mọi người thấy
mình ra vẻ kiểu cách thành thị khi phục vụ món cà phê này, tôi gần như sắp
quên cả cái tiêu chuẩn “món này tôi thấy ngon nên chọn bán ở đây”. Ngay
cả ánh nắng rọi vào rừng thông trong mắt tôi cũng trở nên ảm đạm.
Thế mà đúng lúc ấy, ông lão ấy hiện ra, cứ như thể bước ngoặt trong một
bộ truyện tranh. Các cụ già xung quanh cũng bắt đầu góp thêm ý kiến:
“Đắng nhỉ,” “Ngon đấy,” “Tỉnh cả ngủ,” “Có khi tốt cho sức khỏe đấy,”
“Có sữa không cháu?”… Tới khi các cụ gần như cố định sau mỗi trận bóng
là đến đây ăn đá bào hay uống espresso, thì đột nhiên cả vùng cũng rộ lên
mốt uống espresso, khiến cho món uống này đột nhiên bán chạy hơn hẳn.
Tôi tin vào cái cảm giác ấy. Cảm giác rằng sau tất cả, có một thứ gọi là ý
thức hay ý đồ sẽ đưa đẩy cuộc đời con người như những đợt sóng.
“Nhưng mà nhé, thời bây giờ vẫn có người dù được để lại đất cho cũng
không có tiền đóng thuế tài sản cố định nên phải đóng thay bằng hiện vật
đấy thôi?”
Hajime đột nhiên chuyển sang nội dung thật khó hiểu.
“Thế… Thế à?” Tôi ấp úng đáp. “Chị không hề rành mấy điều đó.
Nhưng chị cũng không ghét tiền đâu. Vì chị cũng có mong muốn ví dụ như
mua được cái máy espresso pha sáu ly một lúc. Tuy nhiên, với cửa hàng thì
chị muốn nó nằm trong phạm vi chị có thể tự tay chăm chút được. Chị
muốn trân trọng cái cảm giác làm thủ công này. Có nhiều tiền hơn mức
mình cần mà không có thời gian rảnh thì rốt cuộc cũng chẳng tiêu được. À
nhưng chị sẽ để dành tiền đi du lịch đảo Sicily vào mùa vãn khách, chị sẽ
ăn đá bào granita cho đến khi vỡ bụng mới thôi.”
“Tuyệt nhỉ! Điều đó đối với Mari đúng là một giấc mơ phải không?”
“Hajime cũng đi cùng chị nhé.”
“Vâng, mặc dù em không chắc mình có yêu món đá bào đến mức ấy hay
không.”
“Ngoài đá bào ra còn nhiều thứ để ngắm lắm. Các anh chàng bảnh trai
cũng nhiều vô số.”