Tuy nhiên, không như ở nước Pháp chúng ta, người Mĩ vẫn chưa hình dung tới việc tước đi của
các ông bố một trong những yếu tố chính tạo thành sức mạnh của họ, tước đi việc các ông tự do phân
bổ tài sản sau khi họ chết. Ở Hoa Kì, quyền tự do trao lại tài sản thừa kế là vô giới hạn.
Trong việc này cũng như mọi việc khác, ta dễ nhận thấy rằng, nếu như công việc lập pháp về chính
trị của người Mĩ dân chủ hơn ta rất nhiều, thì nền lập pháp dân sự của chúng ra lại dân chủ hơn họ gấp
nhiều lần. Điều này thật dễ hiểu. Tác giả của nền lập pháp dân sự là một người quan tâm đến việc thoả
mãn những đam mê dân chủ của người đương thời trong tất cả những chuyện gì không trực tiếp hoặc
gián tiếp thù nghịch với quyền lực của ông ta. Ông ta vui lòng cho phép tồn tại một vài nguyên tắc có
tính “quần chúng” trong lĩnh vực quản lí tài sản và cai quản gia đình, miễn là điều đó không đi vào
công việc điều hành Nhà Nước. Trong khi làn thác lũ dân chủ ngập tràn các luật lệ dân sự, ông ta hi
vọng mình dễ dàng có nơi ẩn trốn đằng sau các luật lệ chính trị. Quan niệm này vừa khôn khép lại vừa
vị kỉ; song một thoả hiệp như thế làm sao có thể bền lâu được. Bởi vì, xét về lâu về dài, cái xã hội
chính trị không thể hiện thành cái hình ảnh của xã hội dân sự; và chính theo ý nghĩa đó mà ta có thể
nói rằng, trong một quốc gia, chẳng có gì chính trị hơn là công việc lập pháp dân sự.