Thế rồi hệ thống tư tưởng mới gần như lan tràn khắp nơi. Được trải
nghiệm rồi, con người lao vào hoài nghi và không tin vào mọi điều.
Ta có thể đoan chắc là đại đa số con người luôn luôn dừng lại ở một trong
hai trạng thái này: nó tin tưởng mà chẳng biết vì sao lại tin, hoặc là nó chẳng
biết chắc phải tin vào cái gì.
Còn với cái thứ niềm tin có suy nghĩ và chủ động phát sinh từ khoa học
và mọc cao lên khỏi cái môi trường bị lung lay vì hoài nghi, thì điều đó bao
giờ cũng chỉ xảy tới với rất ít ỏi những ai nỗ lực đạt tới chốn ấy.
Thế mà, như ta đã thấy, trong những thế kỉ sặc niềm tin tôn giáo, con
người đôi khi có thay đổi niềm tin, trong khi vào những thế kỉ hoài nghi,
mỗi con người vẫn khư khư giữ lấy niềm tin riêng. Cũng xảy ra chuyện đó
trong chính trị vào thời đại tự do báo chí. Tất cả các học thuyết xã hội đã lần
lượt được thử thách trong cuộc đấu tranh, những con người nào bám chắc
lấy một trong những học thuyết đó thì cố giữ lấy nó, họ hành động như thế
không phải vì tất cả bọn họ đều tin chắc học thuyết đó là tốt, mà vì họ không
biết chắc là liệu còn có học thuyết nào khác tốt hơn chăng.
Trong những thế kỉ đó, con người không dễ dàng hi sinh tính mệnh mình
vì những quan niệm riêng. Nhưng tuy con người không thay đổi quan niệm
nữa, song ta cũng lại ít bắt gặp những kẻ tuẫn đạo cũng như những kẻ phản
đạo.
Thêm vào nguyên nhân đó còn một nguyên nhân nữa mạnh mẽ hơn nhiều:
hoài nghi các quan niệm, cuối cùng con người chỉ gắn bó với bản năng và
lợi ích vật chất, là những điều về bản chất được thấy rõ hơn, cụ thể hơn và
thường xuyên tồn tại hơn so với những quan niệm.
Có một vấn đề rất khó ấy là quyết định xem cái nào cai quản xã hội tốt
hơn, dân trị hay quý tộc trị. Nhưng rõ ràng là nền dân trị thì làm cho quý tộc
trị khó chịu, còn nền quý tộc trị thì đàn áp nền dân trị.
Đó là một chân lí tự hình thành và con người không cần phải bàn cãi: bạn
thì giàu còn tôi thì nghèo.