Cũng có chuyện đó xảy ra ở nước Anh, là quốc gia châu Âu trong cả một
thế kỉ đã có một sự tự do tư tưởng lớn nhất hạng và những định kiến thì
cũng vững chắc nhất hạng.
Tôi cho là điều này do chính nguyên nhân mà thoạt nhìn thì như thể nó sẽ
ngăn cản điều đó [tự do tư tưởng song song với định kiến] xảy ra, ấy là tự do
báo chí. Người dân các quốc gia có cái tự do đó bám chặt vào ý kiến quan
điểm của họ cả vì kiêu căng lẫn vì có niềm tin thực sự. Họ yêu các ý kiến
quan điểm đó vì chúng là do họ chọn, và họ khư khư bám lấy không chỉ như
một cái có thật mà còn như một thứ của riêng.
Còn có vô số nguyên do khác nữa.
Một vĩ nhân đã nói rằng sự ngu dốt nằm ở hai cực của khoa học
(L’ignorance était aux deux bouts de la science − ND). Có thể nói như vậy
sẽ đúng hơn nói rằng các niềm tin sâu xa chỉ nằm ở hai cực còn ở giữa là sự
hoài nghi. Thật vậy, ta có thể coi trí khôn con người nằm trong cả ba trạng
thái khác nhau rõ rệt và thường khi [diễn ra] liên tiếp nhau.
Con người có niềm tin vững chắc bởi vì nó tiếp nhận mà chẳng chịu khơi
sâu. Nó hoài nghi khi thấy có những điều chống đối lại. Thường thì nó có
thể giải quyết được mọi nỗi hoài nghi, sau đó lại bắt đầu tin tưởng trở lại.
Lần này, con người không còn nắm bắt chân lí ngẫu nhiên và trong chốn tăm
tối nữa; nhưng nó lại nhìn thẳng vào chân lí và trực tiếp đâm sầm vào nguồn
sáng chân lí
Khi tự do báo chí bắt gặp con người trong trạng thái thứ nhất, nó để cho
con người trong thời gian dài có cái thói quen tin tưởng mãnh liệt mà không
suy xét gì như vậy; có điều là con người mỗi ngày lại thay đổi đối tượng
những niềm tin không có suy xét của họ. Trên toàn bộ chân trời trí tuệ, đầu
óc con người vậy là vẫn cứ tiếp tục lúc nào cũng chỉ nhìn thấy một điểm;
nhưng điểm đó không ngừng thay đổi. Đó là thời kì của những cuộc cách
mạng đột nhiên xảy tới. Khốn thay cho những thế hệ đầu tiên đột ngột tiếp
nhận tự do báo chí!