Đây là một thí dụ nữa cho thấy những con người hoang dại nước Mĩ đã
sung sướng biết bao khi kết hợp được các từ của mình.
Một chàng trai ở Delaware được gọi là một pilapé. Từ này được tạo thành
bởi pilsit, trinh trắng, hồn nhiên, vô tư, và lénapé là “người”, vậy pilapé là
con người trong sự trinh trắng vô tư hồn nhiên hoàn toàn.
Cái khả năng kết hợp các từ như vậy được thấy rất rõ và khá lạ kì trong
việc tạo động từ. Hành động phức tạp nhất đôi khi chỉ cần diễn đạt chỉ với
một động từ. Hầu hết các nét nghĩa uyển chuyển của ý tưởng tác động lên
động từ và làm thay đổi nó đi.
Những ai muốn nghiên cứu chi tiết hơn nữa đề tài này, điều mà tôi chỉ
mới lướt qua hết sức hời hợt, nên đọc:
1./ Thư tín giữa ông Duponceau với đức cha Hecwelder về đề tài ngôn
ngữ người Anh điêng. Tìm các thư tín này trong tập I bộ Kỉ yếu Hội Triết
học Mĩ (Mémoires de la Société philosophique d’Amérique), xuất bản tại
Philadelphie năm 1819 tại nhà Abram Small, trang 356-464.
2./ Ngữ pháp ngôn ngữ Delaware hoặc Lenape, tác giả là Geiberger, kèm
theo lời tựa của ông Duponceau. Tất cả được in trong cùng một bộ, tập III.
3./ Một bản tóm tắt vô cùng hay về các công trình này nằm ở cuối tập VI
bộ Encyclopédie américaine (Bách khoa toàn thư Mĩ).
(D)
Charlevoix, tập I, trang 235, có viết về cuộc chiến tranh lần thứ nhất vào
năm 1610 mà người Pháp ở Canada phải đương đầu với người Iroquois.
Những người Iroquois này dù chỉ trang bị bằng cung tên vẫn chiến đấu tuyệt
vọng chống lại người Pháp và đồng minh của Pháp. Charlevoix vẫn không
phải là một hoạ sĩ lớn, nhưng đã làm cho đoạn văn ngắn dưới đây vẽ lên
được sự đối lập về tập tục giữa người châu Âu và người hoang dã cùng với
những quan niệm khác nhau của các chủng tộc đó đối với vấn đề danh dự.
Ông viết: “Người Pháp xông vào cướp lấy những tấm da hải li đang đắp
lên những người Iroquois nằm dài ở đó. Người Huron là đồng minh của
Pháp thấy tức giận vì cách đối xử với tù binh mà chỉ ‘nhẹ’ vậy thôi. Người