ALEXIS DE TOCQUEVILLE VÀ SỰ TRẦM TƯ VỀ NỀN
DÂN TRỊ
“Il faut une Science politique nouvelle à un monde
tout nouveau”
(Cần có một khoa học chính trị mới mẻ cho một thế
giới hoàn toàn mới)
A. de Tocqueville
1. Tác giả của bộ sách đồ sộ Nền dân trị Mĩ (1835/40) − được Phạm Toàn
dày công dịch sang tiếng Việt − là một khuôn mặt lạ thường. Ở Mĩ, từ lâu,
ông đã trở thành một huyền thoại, một thần tượng, vì được xem là đã hiểu
nước Mĩ hơn cả người Mĩ, và tác phẩm này của ông − bên cạnh bản Tuyên
ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kì − được tôn thờ gần như là một thứ “tôn
giáo chính trị”. Vào đầu thế kỉ XXI, vẫn còn có rất nhiều trí thức Mĩ tự nhận
là môn đồ của ông: “We are all Tocquevillians now!”
Ở châu Âu, tuy tên
tuổi và tác phẩm của ông ít phổ biến hơn so với ở Mĩ, ông vẫn thường được
khen là “Montesquieu của thế kỉ XIX”, và trong mọi cuộc thảo luận về chính
trị học hiện đại, ông vẫn được xem trọng bên cạnh các tên tuổi lớn của thế kỉ
XIX và đầu thế kỉ XX: John Stuart Mill, Karl Marx, Auguste Comte, Max
Weber… Người ta không chỉ kinh ngạc về tài “tiên tri” địa-chính trị của
ông: một trăm năm trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh, ông đã tiên đoán
sự đối đầu “phân cực” giữa hai siêu cường Nga-Mĩ
. Nhiều người còn nhìn
ông như một hiện tượng khá nghịch lí: một nhà quý tộc lại đi tán thành dân
chủ; một người Pháp lại quan tâm và khen ngợi người Mĩ; một trí thức tự
do, không có tín ngưỡng lại nhấn mạnh sự cần thiết của tôn giáo… Nhưng,