“Ồ, đúng vậy, tôi suýt quên điều đó. Có chính sách đó trong túi áo thì
thật là thoải mái. Phải chăng anh muốn nói tới việc nỗ lực đánh bắt cá
nhiều hơn để hỗ trợ cho giá trị tờ tiền giấy của chúng ta?”.
Brent Barnacle trả lời “Không, thưa Ngài. Cái gọi là Chính sách Cá
mạnh mẽ chỉ là lời nói suông mà thôi, chứ thực sự chúng ta chẳng làm gì
cả. Cùng lắm, đó chỉ là một dạng hô khẩu hiệu mà thôi”.
“Anh nói phải, Barney à! Giờ có thể nói tôi đã biết chút ít về hành động
cứng rắn. Nhiệm vụ đã xong, nào các Ngài, giờ chúng ta cùng đi trượt
nước!”.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Thật khó mà cường điệu về ảnh hưởng của đợt bùng nổ địa ốc đối với
nền kinh tế nói chung. Trong giai đoạn cơn điên loạn địa ốc đạt đến đỉnh
điểm, toàn bộ hoạt động tài trợ, xây dựng và trang trí nhà cửa đã trở thành
động cơ chính của nền kinh tế Mỹ. Tuy tất cả mọi người đều thấy được vận
may của mình, hầu như chẳng có ai quan tâm tới cái giá phải trả trong
tương lai.
Ngoài lợi nhuận kiếm được của những kẻ đầu cơ địa ốc theo kiểu mua
bán liền tay, những người sở hữu nhà còn rút ra hàng trăm tỷ dollar hàng
năm từ việc vay thêm do giá trị căn nhà (tài sản thế chấp) của họ gia tăng.
Quá trình này, nói một cách tượng hình, đã biến nhà đất thành những chiếc
máy ATM rút tiền mà không phải trả thuế! Người dân dùng tiền mới vay
được để sửa sang nhà cửa, đi du lịch, trang trải học phí, mua xe hơi và hàng
điện tử, nói chung là sống dư dật hơn hẳn so với khi giá trị căn nhà của họ
không tăng.
Nhưng tất cả những sự sung túc đó chỉ là ảo ảnh.
Trong cuốn sách Irrational Exuberance (tạm dịch: Sự phồn thịnh vô lý -
ND), Robert Shiller cho biết trong suốt thế kỷ XX, giá nhà ở Mỹ tăng trung
bình 3,4%/năm, cao hơn không đáng kể so với tỷ lệ lạm phát bình quân. Có
những lý do hợp lý cho việc này: giá nhà gắn liền với khả năng hoàn trả của
mọi người, khả năng này phụ thuộc vào thu nhập và mức độ sẵn sàng cung
ứng của tín dụng.