“Hạ thần biết rất ít”, người nông dân thú nhận. “Nhưng trong làng của hạ
thần, dân làng chỉ sản xuất những chiếc bát bằng gỗ để đem xuất khẩu, đổi
lấy những tờ tiền giấy, thứ mà mọi người dành dụm cho tương lai. Chúng
thần hy vọng sẽ dùng tiền để mua thứ gì đó, nhưng hiện nay thì chẳng có
gì. Khi đem bán những chiếc bát mà mình làm ra, hạ thần tự hỏi sao mình
không thể có chúng, mà hiện nay vẫn phải ăn cá để trên nền nhà, vô cùng
mất vệ sinh! Sao chúng ta không thể tự làm ra bát gỗ để dùng, như vậy
cuộc sống không phải sẽ tốt hơn sao?”.
“Không được”, nhà vua nói - “Dân chúng sẽ chết đói nếu không có xuất
khẩu. Còn có cách nào khác để điều hành nền kinh tế đâu?”.
“Tâu bệ hạ, như thần đã nói, chúng ta chuyên nghề làm chén bát. Dưới
sự cai trị anh minh của bệ hạ, dân ta cũng đánh bắt cá ngày một nhiều hơn.
Do đó, cái chúng ta cần là những người dân trong nước đồng ý trao đổi cá
lấy chén bát. Mọi năng suất của chúng ta đều được giữ lại trong nước,
người dân sẽ có nhiều chén bát hơn, mà cũng có nhiều cá hơn để bỏ vào
những chén bát đó!”.
Nhà vua lúng túng: “Nhưng hượm đã, dân Usonia giàu có hơn chúng ta
nhiều. Làm sao chúng ta có thể trả nhiều tiền hơn họ khi mua những sản
phẩm này? Họ có thể mua với giá cao hơn, họ có tiền của Ngân hàng Dự
trữ Cá”.
“Xin bệ hạ tha tội, nhưng thần không hiểu tại sao chúng ta lại cần những
đồng tiền của họ! Chúng có giá trị chẳng qua chỉ vì các sản phẩm của
chúng ta, tức là cá và chén bát. Chúng ta làm ra sản phẩm, tức là chúng ta
đủ khả năng tiêu thụ chúng. Chỉ cần dừng ngay việc bán sản phẩm miễn phí
này lại mà thôi”.