nhiều hơn so với Finnigan có thể kiếm được khi tự làm cho mình, đủ để
làm nản lòng ý muốn rời công ty của anh ta.
Nhưng hãy lưu ý: động cơ duy nhất cho mọi hành động của Murray là
tiềm năng có lợi nhuận của anh ta. Anh ta chẳng hề chủ ý giúp Finnigan,
mà chỉ vô tình thôi. Kết quả của tất cả những chuyện này là người lao động
được trả lương cao hơn và chi phí giảm đi cho tất cả mọi người.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Trong kinh tế học ngày nay, không có chiến thắng nào lớn hơn về mặt
tuyên truyền bằng việc bêu xấu một cách toàn diện hiện tượng giảm phát
(và theo đó là sự chấp nhận đối với lạm phát). Theo những gì mà các nhà
kinh tế và chính trị quan tâm, giảm phát - được định nghĩa là sự giảm giá
nói chung của hàng hóa theo thời gian - đồng nghĩa với căn bệnh dịch hạch
trong kinh tế! Ngay khi có dấu hiệu dù là nhỏ nhất về giảm phát, các Chính
phủ sẽ thực thi các chính sách để đẩy giá lên.
Nhưng giá giảm thì có gì xấu đâu? Do đã quen sống với tình trạng giá cả
gia tăng, nhiều người hẳn sẽ cảm thấy sốc khi biết rằng giá cả tại Mỹ đã
liên tục giảm trong vòng gần 150 năm, từ cuối thế kỷ XVIII đến tận năm
1913! Mà trong thời gian ấy, nước Mỹ cũng trải qua giai đoạn tăng trưởng
kinh tế vào loại nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Nguyên nhân nằm ở
chính những lý do mô tả trong chương này: hiệu suất gia tăng. Kết hợp với
nguồn cung tiền ổn định (điều đã xảy ra ở Mỹ cho đến khi xuất hiện Hệ
thống Dự trữ Liên bang), hiệu suất sẽ kéo giá cả đi xuống.
Năng suất tăng rất cao do cuộc cách mạng công nghiệp tạo điều kiện cho
những người thuộc giai cấp lao động có thể mua được mọi loại hàng hóa, từ
đồ nội thất đến quần áo may đo, hệ thống ống nước trong nhà, phương tiện
vận chuyển bằng bánh xe v.v... những thứ trước đây chỉ nhà giàu mới có
tiền mua được. Giảm phát có nghĩa là 100 USD tiết kiệm vào năm 1850 có
thể dùng để mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn vào năm 1880. Điều đó
không phải là tốt đẹp hay sao? Ngày nay, ông bà của chúng ta thường than
rằng giá cả hồi này sao mắc thế, trong khi vào thời họ còn trẻ, ông bà của
họ (tức ông cố, ông sơ v.v... của chúng ta) lại thường “than” rằng ngày xưa
giá cả mắc hơn nhiều!