Thực hiện ebook: www.hocthuatphuongdong.vn
26
Người ở trong chùa người ở sân chùa, người ở bến đò, nào vàng
hương, nào đồ lễ, nào chai nước suối Giải oan, nào khúc lão mai, nào
bó rau sắng, nào bì mơ.
Ở bến đò, các cô lái đò cũng vui vẻ giúp đỡ khách lên bờ hoặc
xuống thuyền. Đối với khách lên chùa, các cô vui vẻ mách đường cho
khách rõ lối đi chùa Tiên, lối vào chùa Cửa Võng và chùa Hang.
Từ chùa ngoài đi vào, đường đi khấp khểnh, nhưng phong cảnh rất
hữu tình, và khách lễ chùa luôn miệng, niệm “nam mô”. Lòng người
hướng cả vào đức Phật. Người ta dẻo chân đi quên mỏi. Hai bên
đường thỉnh thoảng lại hiện ra một rừng mơ, khách có thể tới hái để
giải khát. Đi một quãng đến chỗ rẽ lên chùa Tiên, ở trong một hang
trống, có hai lối ra vào khác nhau. Bên ngoài, những nhũ đá chảy
xuống thành từng nếp trông rất đẹp. Xa hơn quãng rẽ một chút là
chùa Giải Oan, ở đây có một cái giếng nhỏ, nước trong và mát. Khách
lễ chùa tin rằng nước này uống vào người sẽ nhẹ nhàng thanh thoát
và tiêu giải được mọi nỗi oan khiên. Cũng vì thế phần đông khách trẩy
hội đều lấy theo về một chai nước giếng quý báu này.
Ở Chùa Giải Oan ra đi về chỗ rẽ, theo lối cũ sẽ tới chùa Cửa Võng,
trước khi tới chùa Trong hay chùa Hang tức là động Hương Tích.
Chùa Cửa Võng mang tên theo lối kiến trúc còn chùa Hang theo
lời truyền lại chính là nơi xưa kia đức Phật Quan Âm đã thành Phật và
cũng vì vậy dân làng mới thờ đức Phật tại động này.
Bước vào chùa Hang, du khách thấy ngay ngoài cửa động năm chữ
đại tự rất lớn “Nam Thiên Đệ Nhất Động” tương truyền là chữ của vua
Lê Thánh Tôn với những nét bút rất sắc sảo.
Trong động có tượng đức Phật Bà Quan Âm và chư vị La Hán.
Những nhũ đá rủ xuống óng ánh muôn mầu rất kỳ diệu, ở gần giữa
động, nhiều tảng đá nổi lên, trông như hình các em bé. Khách trẩy hội
hiếm con thường xoa đầu các em bé ấy, rủ về với mình. Nhiều tảng
đá đã nhẵn thín vì những bàn tay các tín nữ cầu con.
Động có nhiều hang ngách. Ánh sáng lọt vào thưa thớt khiến
những hình tượng cũng như những nhũ đá càng thêm ảo huyền.