Song song với những cuộc lễ bái, cầu nguyện và đốt vàng hương cúng
cho các vong hồn, tại hội chùa Đông Quang còn có những trò vui khác
cho khách đi xem Hội thưởng Xuân: Cờ bỏi, múa hát và đánh vật.
Các thanh niên nam nữ Hà Nội, cũng nhân ngày hội hẹn hò đi lễ để gặp
gỡ nhau.
Đền Sầm Nghi Đống. Như đã trình bày, riêng về Sầm Nghi Đống, người
Trung Hoa có lập đền thờ ở ngõ Sầm Công, sau phố Hàng Buồm Hà Nội.
Tục truyền rằng ngôi đền này linh thiêng lắm và vong hồn Sầm Nghi
Đống thường tác yêu tác quái với dân chúng Hà thành, mãi cho tới khi
nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua đó, vì ghét mặt một tên tướng tử trận còn làm
oai làm phách, có đề bài thơ sau:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu!
Theo lời truyền lại, sau bài thơ trên của nữ sĩ họ Hồ đền họ Sầm hết linh
thiêng! Có lẽ vong hồn quan tri phủ đã biết thẹn!
Về võ công oanh liệt của vua Quang Trung, nhiều thi sĩ có để lại nhiều
thơ văn ngâm vịnh, ngay trong Việt Nam Quốc sử diễn ca, soạn dưới
triều Nguyễn, xưa nay vẫn cho Tây Sơn là Ngụy triều cũng phải ghi chép
võ công đó một cách đầy thán phục.
Quân Thanh đã được Thong Long,
Một hai rằng thế là xong việc mình.
Dùng dằng chẳng chịu tiến binh,
Nhác đường phòng thủ, mống tình đãi hoang.