Hội mở ra để dân làng nhân dịp Xuân mua vui, nhưng điều chính yếu
của ngày hội là tụng kinh cầu nguyện cho những vong hồn chết trận.
Ngày xưa nhà chùa có lập đàn chay tụng niệm, và dân làng cùng nhau tới
lễ đàn, giúp tiền giúp gạo để nhà chùa lo việc bố thí chúng sinh.
Trong ngày hội, dân chúng Hà Nội trước đây tới dự đông lắm, tới đây để
nhớ lại một giai đoạn hùng hào của lịch sử, nhưng cũng tới đây để tham
dự những cuộc lễ bái cầu cúng cho đám cô hồn tướng sĩ nhà Thanh và
đồng thời cả một số Việt quân đã bỏ mình trong trận này. Gò Đống Đa có
mộ Sầm Nghi Đống, ngày hội người Trung Hoa kéo nhau lũ lượt tới
viếng chùa và viếng mộ.
Các bà già, dân làng Đông Quang và cả khách trẩy hội, mang vàng
hương tới đặt trước những ngôi mộ vô thừa nhận của quân Tàu.
Riêng về Sầm Nghi Đống, người Trung Hoa có lập đền thờ tại Hà Nội ở
ngõ Sầm Công.
Đọc tới đây có lẽ một vài bạn đọc phải ngạc nhiên, tại sao dân ta đối với
quân thù lại có thái độ bao dung lạ lùng như vậy.
Thấm nhuần nền đạo đức Đông phương, dân ta lấy chữ nhân làm trọng.
Quân Tàu, khi sống chúng xâm lăng đất nước chúng ta, nhưng một khi
đã chết, ta không kể đây là những kẻ thù nữa, họ không còn làm hại được
ta, chúng ta nhìn họ bằng một con mắt khác. Họ là những chiến sĩ đã
chiến đấu theo mệnh lệnh của triều đình, chết đi họ là những chiến sĩ trận
vong. Chúng ta phải kính trọng họ, họ là những người đã chết vì quốc
gia, chúng ta phải thương hại họ, họ đã chết ở đất lạ quê người, họ là
những vong hồn không ai cúng vái phải chịu đói khát. Các người già cả,
nhân ngày hội Đống Đa đốt vàng hương cho họ, và trong chùa tụng kinh
cầu nguyện cho họ, chính là mong cho họ không chịu cảnh khổ sở của
những ma đói ma khát, cầu cho họ được siêu sinh tịnh độ. Ở đây vừa là
lòng nhân từ, vừa là cử chỉ rộng rãi với kẻ thù, lại vừa thể hiện được sự
tôn kính đối với chiến sĩ trận vong.