Kể từ khi vua Gia Long lên ngôi, mặc dầu nhà Tây Sơn bị gọi là ngụy
triều, mồ mả nhà Tây Sơn bị khai quật và ai nhắc nhở tới nhà Tây Sơn
đều bị tội nặng, nhưng nhân dân quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, vẫn cất
một ngôi đền tại nơi nhà cũ của Ba Vua để thờ phụng, để che mắt vua
quan nhà Nguyễn, người ta phải nói dối là đền thờ thần. Mỗi năm, Xuân
Thu nhị kỳ, dân làng có tế lễ rất long trọng, điều đặc biệt, có tế lễ nhưng
không có văn tế, dân làng chỉ khấn vái thầm.
Rất tiếc đền thờ này, lập tại thôn Kiên Mỹ, xã Bình Khê, năm 1947 đã bị
phá hủy, cho tới năm 1955, nhân dân Bình Khê mới lại cùng nhau gom
góp xây một ngôi đền tráng lệ hơn xưa, và hàng năm nhân ngày giỗ trận
Đống Đa tại đây cũng có cử hành lễ kỷ niệm chiến công oanh liệt năm
Kỷ Dậu.
Hội đền vua An Dương Vương
Đền thờ An Dương Vương ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc
Yên, cách Hà Nội 17 cây số trên Quốc lộ Hà Nội đi Phúc Yên (Vĩnh
Phú), trong khung thành Cổ Loa hồi xưa.
Du khách có thể tới đền theo đường bộ nói trên, khi tới cây số 17, rẽ vào
con đường đất bên tay phải đi chừng năm trăm thước, hoặc do đường xe
hỏa, tới ga Xuân Kiều, rồi từ ga Xuân Kiều theo đường ruộng đi về mé
tay trái một quãng. Hội đền Cổ Loa cử hành hàng năm vào ngày mồng 6
tháng Giêng và kéo dài trong khoảng 10 ngày.
Sơ lược lịch sử và thần tích
Vua An Dương Vương tên là Thục Phán, vốn quê ở Ba Thục. Nhà vua
oán vua Hùng Vương thứ XVIII đã từ chối không gả con gái là Mỵ
Nương cho một vị tiên đế của Ngài, nên đem quân đánh chiếm nước Văn
Lang, và khi chiếm xong, nước Văn Lang được đổi tên là Âu Lạc.
Vua An Dương Vương đóng đô ở Việt Thường và xây đắp Loa Thành,
nhưng thành hồ xây lên lại bị đổ.