Tục truyền ông Hia Ný, người Triều Châu ở xã Long Sơn khi về bên
Tàu, biết được chuyện này mới xin lãnh cốt và sắc phong đem về qua xứ
Việt Nam đề thờ tại nhà ông.
Ông Bảo Sanh Đại Đế ở bên Trung Quốc có hiển thánh hay không thì
chẳng ai biết? Nhưng linh hồn được nhập tịch vào xứ ta lại đạp đồng lên
cho người xác đầu tiên là ông ''Khía'' xã Long Sơn, tục gọi ''Lào Kìa''.
Ông này qua đời lại nhập vào xác ông ''Lến'' cũng người xã Long Sơn,
tục gọi ''Lào Lến''. Khi nhập vào xác, ông Lào Yá chỉ thuốc cho bệnh
nhân trong làng được linh ứng. Nhờ thế mà uy tín của ông Lào Yá càng
được tôn trọng.
Người địa phương nhất là người Tàu cư ngụ ở xã Long Sơn nhận thấy sự
hiển linh đó mới chung hùn cất chùa để thờ ngài. Nhưng trước khi cất,
bổn hội có cầu ngài lên để chỉ chỗ cất chùa. Ngài dạy phải cất tại mé
rạch, song phải hướng mặt tiền chùa la Vàm rạch Cái Vừng để ngài ngăn
ngừa lũ tà ma yêu quái đột nhập vào nội địa vùng Cái Vừng. Tuy vậy,
bổn hội lấy làm lo lắm vì sợ đất lở. Song ngài cương quyết bảo cứ việc
cất. Thần dạy ai dám cãi? Lạ một điều là từ khi ngôi chùa này đã hoàn
thành, mặc dầu nó chỉ nằm cheo leo dựa mé rạch đất vẫn không lở như
mấy chỗ khác. Do đó, nguồn tin tưởng cao độ nơi ông Lào Yá càng thêm
ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân ở vùng rạch Cái Vừng nhất là
người ở Long Sơn.([2])
Tục lễ ngày lễ
Người dân xã Long Sơn và vùng lân cận tôn sùng ông Lào Yá và cho
rằng ông là một vị thần thánh giáng trần để cứu dân độ thế bằng cách trị
bệnh cho mọi người.
Lễ tại đền ông Lào Yá hàng năm được tổ chức vào ngày rằm tháng
Giêng. Dân chúng tới lễ và xin xăm cầu rõ việc cát hung.
Ngoài ra có hai tục lệ đặc biệt là tục ông Lên và Lễ Du Hồ và chưng cộ
Bát Tiên. Hai tục này chúng tôi đã nói tới trong cuốn LÀNG XÓM VIỆT
NAM.