Đây là một tục kể ra thật tàn bạo, tàn bạo đến độ dã man, nhưng qua tục
này, người ta còn trông thấy một sự khuyến khích trong việc chăn nuôi,
nhất là việc nuôi gà ở thôn quê.
Trai làng Tích Sơn, đến tuổi chịu việc làng, nghĩa là 18 tuổi, được làng
cử mỗi chàng nuôi một con gà cúng thần. Ngay từ đầu năm trước, họ đã
mua gà, đem thiến để nuôi cho tới ngày hội. Họ phải săn sóc vỗ về, nuôi
sao cho gà béo lại chắc, được nặng cân. Trong lúc nuôi gà, họ tránh cho
gà sự ô uế, có thức ăn riêng, không chung đụng với gà vịt khác.
Ngày mồng ba Tết, những chàng trai có bổn phận nuôi gà, mang gà ra
Đình.
Làng này có hai giáp, giáp Đông và giáp Đoài. Trai hai giáp với những
con gà của mình, ngồi thành hai hàng hai bên trước bàn thờ, mỗi chàng
ôm một con gà, con nào con ấy trông mã thật đẹp với lông mượt và đều
có vẻ nặng cân.
Các cụ trong làng, hay nói đúng hơn, ban hội đồng soát gà ngắm các con
gà một lượt, rồi vị tiên chỉ hoặc vị cao niên nhất trong ban quan viên
thắp hương khấn lễ trước bàn thờ.
Lễ xong, tất cả các chàng trai này đều ôm gà của mình nhảy nhót, vái lễ
trước bàn thờ. Họ đều khăn đóng áo dài tề chỉnh, nhưng trông điệu bộ họ
thật hết sức kỳ khôi.
Lễ xong, từng chàng trai một, họ dùng một con dao thật sắc, chém một
nhát đứt đầu con gà, tiết gà được hứng riêng mỗi con vào một chiếc bát.
Đoạn họ nhặt đầu gà, ôm gà ra mé sau Đình làm lông cúng thần.
Trông những con gà với mã thật đẹp, tươi tốt, đang như ngơ ngác giữa
đám đông trước bàn thờ thần, có con lại rỉa lông hoặc nghển cổ đưa mắt
nhìn, bỗng một lưỡi dao sáng láng lia xuống, nghe một tiếng ''phập'' rất
ngọt, đầu con gà lăn chiêng xuống đất, còn thân nó chàng trai ôm lấy,
chúc cổ nó xuống chiếc bát hứng tiết, con gà không kịp kêu, chỉ còn giãy
giụa, nhìn thật là tàn bạo. Có con gà vãi cả phân ra trước bàn thờ thần.