Ông tướng đi trước quân đi theo sau. Quân tướng cứ dắt nhau vào đình
rồi lại dắt nhau ra, đi như vậy cho đến khi ngớt tiếng pháo.
Tôi được một người làng Vạn Niên[1] cho biết:
Quân tướng kéo vào đình lại kéo ra như vậy cốt để đuổi tà ma trùng quỷ
có thể gây dịch lệ cho dân làng. Tiếng pháo tượng trưng cho tiếng súng
tiến quân. Ngoài ra, đây cũng là một cách biểu diễn các uy thế của vị
thần, có quân tướng bảo vệ, khiến các tà thần khác sợ không dám xâm
phạm tới Ngài.
Ngoài ra tục này cũng còn có mục đích khuyến khích tinh thần thượng
võ của dân làng, để mỗi khi giặc giã, dân làng sẽ can đảm tòng quân diệt
địch.
Khi tiếng pháo dứt, ông tướng hợp ba quân tại sân đình, cùng nhau vào
lễ thần. Lễ tất thì cuộc tung hệ cũng hết.
Dẫu rằng giữa ông thần Nhòm và tục Tung hệ không có liên hệ gì, nhưng
dân làng Vạn Niên vẫn lấy tục tung hệ để lễ ông Thần Nhòm trong ngày
hội hàng năm.
[1] Ông Lê Văn Ty, năm 1963 là nhân viên Tổng Nha Thuế vụ Sài Gòn.
Hội Lim với cổ tục hát quan họ
Hàng năm ngày 13 tháng Giêng, các bậc tài tử cố đô Thăng Long rủ
nhau người người lớp lớp đi xem hội Lim, để nghe các trai gái đồng quê
cùng nhau say đắm trong điệu hát quan họ.
Hội Lim tổ chức trên đồi Lim, tên chữ là Hồng Vân Sơn. Đây là một
ngọn đồi thuộc địa phận ba xã Duệ Đông, Lũng Sơn và Lũng Giang,
huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), ở ngay gần quốc lộ số 1 từ Hà
Nội đi Lạng Sơn, cách ga xe lửa, ga Lim, chừng hơn một cây số.