Từ Hà Nội tới đồi Lim, quãng đường xa 25 cây số, sở dĩ gọi là đồi Lim
vì xưa kia trên đồi này mọc toàn cây lim, một thứ gỗ rắn chắc. Ngày nay
rừng lim không còn, đồi thông trọc lốc với đá và đất núi sắc đỏ như sơn,
thỉnh thoảng xen vào mấy nương sắn và mấy sơn trang. Dưới chân núi,
thuộc địa phận xã Lũng Giang, sát bên lề đường quan lộ là chợ Lim với
những lều gianh mái lá. Cửa chợ có một cây đa cổ thụ to lớn, bóng vùng
rợp rất xa, các làng lân cận gọi là cây đa Lim. Gốc cây đa có quán ngói
gọi là cầu Lim.
Trên núi có Hồng Vân tự. Đây là một ngôi chùa cổ quy mô rộng rãi với
một quả chuông lớn đúc từ đời Cảnh Hưng. Chùa này dân quanh vùng
gọi là chùa Lim.
Phía bên trái Hồng Vân tự là văn chỉ xã Lũng Giang. Văn chỉ xây lớn với
bệ gạch rêu phong. Văn chỉ thờ đức Khổng tử và các tiên hiền tổng Nội
Duệ, huyện Tiên Du. Cách chùa không xa, về phía tay mặt, có một ngôi
lăng tường đá ong kiên cố, trước lăng là một tấm bia lớn đứng sừng sững
khiến khách xem hội Lim không ai bỏ qua được. Trong lăng có đủ voi,
ngựa, nghê, ngỗng cùng sập đá, ngai đá thật trang nghiêm.
Đây là lăng ngài Hiếu Trung Hầu, tên húy là Diễn, làm quan dưới triều
vua Lê Cảnh Hưng. Xuất thân hoạn quan, ngài đã được thăng đến chức
Thanh Hoa trấn đốc đồng. Dân chúng quanh vùng quen gọi lăng ngài là
lăng quan Trấn.
Hiếu Trung Hầu không có con. Khi gần chết ngài bầu hậu hàng tổng và
làm đình cho mấy xã. Để ghi nhớ công ơn ngài, hàng năm đến ngày 13
tháng Giêng âm lịch dân tổng Nội Duệ mở hội rất to tại lăng ngài. Ngày
hội được gọi là ngày Hội Lim.
Hội kéo linh đình với cờ xí phấp phới, với rước xách tế lễ. Dân tổng Nội
Duệ kéo nhau tới lễ lăng Hiếu Trung Hầu, tới lễ Hồng Vân tự để cầu
nguyện được một năm may mắn.
Trong ngày hội có cờ bỏi, và tại chùa có kể hạnh do các bà vãi tụng lên
công đức của chư Phật để khuyến thiện.