Hàng năm làng Đồng Nhân mở hội từ ngày mồng ba cho đến hết ngày
mồng 6 tháng 2 âm lịch, tuy chánh hội là ngày mồng 5 tháng 2.
Dân chúng Hà Nội và các vùng lân cận kéo nhau tới lễ bái và xem hội rất
đông.
Khách trẩy hội tới trước nhà máy rượu đã trông thấy cây đa cổ thụ với
những bóng cờ đuôi nheo ngũ sắc bay phấp phới cắm trước cửa đền và ở
hai bên lối vào trong đền. Ở cây đa còn có treo lủng lẳng những đôi hài
giấy và những bó vàng hương. Những người đi lễ nói đó là vàng và hài
để cúng những người hầu cận hai Bà.
Sơ lược lịch sử và thần tích
Sự nghiệp Hai Bà Trưng chống quân Hán, đã là người Việt Nam, hỏi
mấy ai là không biết. Hồi đó nước ta đang nội thuộc nước Tàu dưới đời
vua Quang Vũ nhà Đông Hán.
Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định vốn người bạo ngược, chính sách lại
tàn ác, lòng dân đều oán giận. Năm Canh Tý, Tô Định giết chết ông Thi
Sách, người huyện Châu Diên, nay thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh
Yên (Vĩnh Phú).
Bà Trưng Trắc vợ ông Thi Sách, con gái quan Lạc Tướng huyện Mê
Linh, nay là làng Hạ Lôi, tỉnh Phúc Yên (Vĩnh Phú), liền cùng với em là
Trưng Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Tô Định thua chạy bỏ
trốn về quận Nam Hải.
Lúc bấy giờ các quận Cửu Chân, Nhật Nam, và Hợp Phố cũng nổi lên
theo về với Hai Bà. Chẳng bao lâu Hai Bà thu lại được 65 thành trì. Hai
bà tự xưng làm vua đóng đô ở Mê Linh.
Năm sau, năm Tân Sửu (41) vua Quang Vũ nhà Hán, sai Phục Ba Tướng
Quân là Mã Viện cùng các Phó tướng là Lưu Long và Đoàn Chỉ đem
quân sang đánh Trưng Vương.