NẾP CŨ, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM - Trang 36

dục.

Lễ mộc dục xong, dân làng lại rước Thánh Giá về đền và sau đó là
những cuộc tế lễ hàng năm theo nghi thức cổ truyền.

Trong khi đám rước cử hành từ đền ra sông và từ sông về, các thôn trong
xã đều lập hương án ở bên đường để bái vọng.

Tế lễ

Tế lễ tại đền Hai Bà hàng năm được cử hành ngay sau buổi rước theo
nghi lễ cổ truyền với văn tế do ban tư văn trong làng cùng soạn.

Thỉnh thoảng có năm dân làng tổ chức tế nữ quan, việc tế do phụ nữ
hoàn toàn đảm trách, từ chủ tế, bồi tế cho đến các chấp sự viên. Nghi
thức lễ cũng giống như khi do các quan viên trong làng cử hành.

MÚA ĐÈN VÀ CON ĐĨ ĐÁNH BỒNG

Đặc biệt trong buổi hành lễ, sau đám tế, tại đền có đoàn vũ công múa đèn
theo nhịp trống của con đĩ đánh bồng.

Đoàn vũ công gồm trên dưới mười người, mặc áo dài đen thắt lưng đỏ ra
ngoài áo, buộc múi chéo sang bên cạnh sườn, sau nghi thức đám tế, cùng
nhau vào múa đèn. Đây là những dân làng đã được chọn trước và đã có
tập dượt, thường những người được cử vào công việc này năm trước,
năm sau lại được lựa chọn để tránh sự mất công luyện tập. Đèn là những
chiếc đài hoặc chiếc đĩa chung quanh có cắt giấy hình cánh hoa dán vào,
và ở giữa đài là một ngọn nến đang cháy. Mỗi vũ công cầm hai cây đèn ở
hai tay, đi thành hàng, lượn qua lượn lại trước bàn thờ với những điệu
múa nhịp nhàng. Hàng vũ công có khi đi nối đuôi nhau, có khi đi theo
những hàng lối khác khi chéo khi thẳng, khi vòng tròn, khi kẻ trước gặp
người sau, khi là một hàng, khi tách thành hai hàng đối diện nhau trước
bàn thờ, gặp nhau trong điệu múa. Điệu múa rất nhịp nhàng, tay lên tay
xuống, những ngọn nến chập chờn, lúc tỏ lúc mờ, không bao giờ tắt và
ngọn lửa cũng không bao giờ bắt ra những cánh hoa giấy ở chung quanh.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.